Ngày … tháng … năm ….
Trong cuộc đời mỗi người ai cũng cần có những mối tương giao, như những mảnh ghép của xã hội, để cùng tồn tại và phát triển. Thông thường chúng ta hay chọn những người có cùng sở thích, quan điểm và cả sự hòa hợp trong tâm tính. Có thể chúng ta gặp gỡ, quen biết nhiều, nhưng để gọi ai đó là “bằng hữu”, thì chẳng đơn giản!
Bạn bè có thể cùng nâng ly với ta trong các cuôc vui, lâu lâu nói vài câu khích lệ có tính cách xả giao vì sự cần thiết trong công việc. Nhưng chỉ có vậy!
Bằng hữu thì khác. bạn gặp thử thách, thất bại, họ ở bên cạnh như một sự hiện hữu của ấm áp và nguồn ủi an. Khi ấy, gục đầu bên bờ vai người bằng hữu, bạn có thể trải lòng như một đứa trẻ thơ, khóc cho đã, cho vơi hết những nhọc nhằn. Nhưng bằng hữu không chỉ có vậy, họ không cho bạn ở mãi trong cái thế giới của ủ rũ, đau buồn và thất vọng. Khi ấy, tình yêu được tỏ lộ qua ánh mắt, đôi bàn tay họ, sẽ là động lực dìu bạn đứng lên bước tiếp tục. Luôn cổ võ ta hướng về phía trước, phấn đấu đạt mục tiêu của đời mình. Người bằng hữu, sẽ luôn ở bên khi chúng ta cần họ nhất và chỉ khi bên cạnh họ ta mới tìm được chính mình.
Có bao giờ bạn cảm nhận được mối tương giao “bằng hữu” trong cuộc sống chưa? Đó là duyên phận, không chỉ đơn thuần ngẫu nhiên mà bạn có được những gặp gỡ để rồi luôn nhớ, luôn thương và luôn trăn trở mỗi khi hờn dỗi và vắng bóng nhau. Nhiều người từng ngao ngán bảo “Tìm được một người bạn hữu trong đời, bạn quả rất hạnh phúc. Vì không phải ai cũng có.” Nếu như tình bạn, tình bằng hữu quan trọng như thế với chúng ta, thì tin chắc rằng khi tạo dựng nên con người Thiên Chúa đã trìu mến yêu thương và sắp sẵn cho ta mối duyên, phần số có được người bằng hữu tốt lành bên cạnh. Chỉ là chúng ta có chịu mở lòng đón nhận, và gắn bó với mối tương quan ấy không mà thôi!
Trong thánh lễ tại nhà nguyện Marta ngày 14 tháng 5 năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng đã nói đến điều này. Ngài mời gọi mọi người trong chúng ta, hãy luôn nhắc nhở bản thân “Duyên phận đã gắn bó con người trong sự mật thiết của tình bằng hữu với Đức Giêsu“. Là Người luôn yêu thương, trìu mến, ở bên cạnh, và rất trung tín không bỏ rơi ai, dù là ta có ngoảnh mặt đi với Người. Được trở nên bằng hữu với Thiên Chúa, không chỉ là tặng phẩm mà còn là ơn gọi, mà Thiên Chúa luôn mong mỏi chúng ta cảm biết được trong từng phút giây của cuộc sống.
Có đôi lúc tôi thấy thầm ghen tị với các tông đồ, vì họ được ở cùng, đồng hành và làm bạn với Chúa Giêsu. Chắc chắn khi nói về Thầy mình, các ông đã thấu hiểu được một cách rất mạnh mẽ món quà quý giá là tình bằng hữu, khi Chúa Giêsu nói “Thầy không gọi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu“. Người bạn Giêsu này, ngay cả khi bị Giuđa phản bội, cũng không nỡ xua đuổi, vẫn giữ lấy mối thân tình cho đến giờ phút cuối cùng. Trong các mối tương giao, đặc biệt với các bằng hữu mà tôi hết lòng yêu mến, có khi nào tôi đã từng bội phản, có khi nào tôi đã từng vì sự trở mặt của họ mà ngoảnh mặt và chối từ tình bạn chưa? Có lẽ tôi cần phải xét lại mình. Là một phàm nhận yếu đuối lỗi phạm, chắc chắn không ít lần vì cái tính ba phải của mình, tôi đã làm bạn đau lòng.
Có những khoảnh khắc im lặng tôi tự hỏi “Chúa ơi, Người ở đâu? Sao cứ mãi lặng im?”
Nhưng không phải vậy, xoay xung quanh, và bàn tay chạm mạnh vào con tim theo nhịp đập, tôi nghe tiếng Người. Nói đến đây, tôi nhớ đến hai bạn già đã từng và luôn bên cạnh tôi. Nơi họ, tôi nhìn thấy “Người bạn Giêsu”. Qua đôi mắt mở to, giọng có lúc hài huớc, khi lại rất nghiêm nghị, âm điệu có lúc lên xuống tùy theo dòng cảm xúc đang nói cùng con.
Cảm tạ Chúa vì mối thân tình và dĩ nhiên con vẫn luôn mong được ở mãi trong tình bạn thân thiết này. Bởi lẽ, chúng con có cùng mục đích và hướng đi trong đời. Đó là tiến đến quê trời, trở thành “Thánh” (vì nếu không như vậy, không đến được thiên đàng vĩnh hằng), nơi có Người hiện diện. Chúa đã không bao giờ phủ nhận tình bạn giữa Người và chúng ta. Bất kể là ta bất xứng thế nào, Người vẫn kiên nhẫn, vẫn chờ đợi và không bao giờ chối bỏ chúng ta. Chúa ơi, xin cho con luôn cảm nhận được mối ân tình cao quý này mà biết luôn trân trọng và tìm cách để có thể gần Người hơn mỗi ngày, mỗi phút giây trong đời con. Con cũng xin Người, chúc lành cho hai bạn già của con. Có lẽ chúng con cũng cần phải nhìn lại mối tương giao trong tình bằng hữu của mình, để có thể tha thứ, yêu thương và vẫn nhẫn nại tiếp tục nâng đỡ nhau vượt qua mọi thử thách, chông chênh của phận người, để đi đến điểm cuối của đời mình, nơi Chúa đang chờ đợi.
Cảm tạ Chúa. Người không chỉ là Cha, là Thầy, là Anh Cả mà còn là bạn hữu của con.
Cảm tạ Chúa, vì Người luôn hiểu và biết con yếu đuối mỏng dòn, cho nên ban cho con cảm biết được tình của Người qua những phút thinh lặng chạm lòng, qua thể lý với những duyên phận gặp gỡ và nâng đỡ nhau để trở nên ngày một tốt hơn khi đồng hành với các bạn hữu của minh.
Thúy Hương