Bảy năm qua, kể từ năm 2013, mỗi năm có một thanh niên tại giáo xứ St. Mary’s ở Hudson, Ohio, được thụ phong linh mục, trở thành mục tử của Chúa Giêsu Kitô cho Giáo hội Công giáo.
Thật là một sự hiếm có trong Giáo hội Công giáo ở Hoa Kỳ, khi có nhiều linh mục đến từ một nơi trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Linh mục Ryan Mann, một trong “bảy trong bảy” linh mục, người đã được thụ phong năm 2014, nhìn nhận rằng sự việc này có thể diễn ra được chỉ do Thiên Chúa sắp đặt.
Linh mục Mann nói với CNA, giữa các lối đan xen vào chủng viện, sau khi học trung học, đại học, hoặc bắt đầu sự nghiệp, và một số người bỏ học trong một, hoặc hai năm chỉ để quay lại, “bảy trong bảy không thể được sắp xếp trước.”
CNA đã nói chuyện với ba trong số “bảy trong bảy” linh mục này để tìm hiểu xem giáo xứ St. Mary có “bí quyết” gì để có thể đang nuôi dưỡng rất nhiều ơn gọi.
’Kẻ ngốc đầu tiên – chủng sinh và linh mục làm hình mẫu
Trước bảy linh mục này, đã có Lm. Stephen Flynn, một linh mục từ giáo xứ St. Mary, được thụ phong năm 2008.
Linh mục Mann nói : Anh ấy nhận được “quả bóng lăn” trong số những chàng trai trẻ ở St. Mary. “Một khi quả bóng đã lăn, sẽ dễ dàng hơn để hỏi anh ta, ‘Này, đi tu như thế nào? Hay nếu anh ta ở nhà vào mùa hè, bạn có thể thấy: – Anh ta có lạ không? Ồ anh ấy cũng bình thường thôi, ồ vậy thì tốt, vậy tôi vẫn bình thường như anh ấy và có thể làm điều này.”
Lm. Patrick Schultz, một linh mục cũng từ giáo xứ St. Mary, thụ phong năm 2016, nói thêm :“Theo cách này hay cách khác, anh ta là một kẻ ngốc đầu tiên đã đi đến chủng viện” và có can đảm để thực hiện bước nhảy vọt.
Lm. Schultz nói rằng, bắt đầu với Flynn, các chủng sinh từ giáo xứ St. Mary, sau thời gian nghỉ hè ở chủng viện họ trở lại giáo xứ và dành nhiều thời gian với nhóm thanh niên, đã tạo ra cơ hội cho những người thanh niên khác làm quen với các chủng sinh theo mối liên hệ cá nhân.
Lm. Schultz nói : “Khi bạn nói về ‘bí quyết’, tôi nghĩ rằng đó là sự thật vì … bạn có một chủng sinh, và bạn làm cho người chủng sinh ấy được thấy rõ bao nhiêu có thể để mọi người nhận ra thế nào là một chủng sinh. Đó là cách mà bạn tạo ra một nền văn hóa của ơn gọi. Nó giúp bạn nhận thức về ơn gọi linh mục – khi bạn ghi danh vào chủng viện, bạn không nhắm đến làm linh mục, nhưng bạn nhận thức ơn gọi tư tế.”
Ngoài ra, theo linh mục Schultz, việc đào tạo tại chủng viện không chỉ giúp họ trở nên thánh thiện hơn mà còn trở nên một người toàn vẹn hơn vàmà các chủng sinh nhận được giúp họ không chỉ trở nên thánh thiện hơn mà còn trở nên nhân bản hơn và đầy tràn sức sống hơn, điều này rất hữu ích cho những người đang nghĩ và muốn tìm đến với ơn gọi.
Ngài nói: “Nhờ thế bạn thích cuộc sống, bạn yêu phim ảnh, bạn yêu lửa trại, bạn yêu thích khoai tây chiên và salsa, bạn thích xem Nacho Libre – bạn không chỉ bị gò bó trong tu viện, hoặc nói kiểu tiếng Latin, far-removed ethereal person (hai lối sống không khác nhau lắm),”
Lm. Rich Samide, một linh mục cũng ở giáo xứ St. Mary, được thụ phong năm 2018, nói với CNA rằng, việc quen biết các chủng sinh “đã giúp rất nhiều” trong sự nhận thức về ơn gọi của mình. Ngài nói : “Chủng viện không phải là những nơi xa lạ với những người đàn ông vô danh đang theo học làm tư tế. Tôi biết rằng nếu tôi gia nhập chủng viện, thì tôi đã biết nhiều chủng sinh rồi. Họ là những con người thật, và biến ý tưởng gia nhập chủng viện của tôi thành sự thật. Tôi biết họ như là những người đàn ông cũng có sở thích bình thường và tính tình đa dạng. Tôi thấy rằng tôi có thể trở thành một chủng sinh, và như một linh mục, nhìn theo mẫu gương của họ.”
Mỗi linh mục mà CNA gặp gỡ đều đề cập đến mẫu gương của các linh mục hạnh phúc và thánh thiện đã ở giáo xứ – đặc biệt là linh mục Damian Ference, người phục vụ giáo xứ St. Mary với tư cách là Chánh xứ trong nhiều năm.
Lm. Samide chia sẻ, cha xứ khuyến khích ơn gọi, ngài cầu nguyện cho họ và đề cập đến họ trong các bài giảng và ý nguyện trong thánh lễ, và ngài đã dành thời gian đầu tư vào giới trẻ của giáo xứ: “Ngài đã dặn dò rất nhiều người trong chúng tôi, những người đang cân nhắc lựa chọn chức tư tế hay đời tu trì, và đặc biệt là đối với những chàng trai trẻ đang nghĩ đến chức linh mục, ngài đã đưa ra một ví dụ sống động về đời sống linh mục như thế nào. Cá nhân tôi chưa bao giờ thực sự thân quen một linh mục trước ngài, và điều đó đã giúp rất nhiều trong sự nhận thức của tôi.”
Lm. Schultz nói rằng ngài biết Lm. Ference khi còn học trung học và Ference là một “linh mục mới toanh”, sự nhiệt thành của ngài đối với Chúa Kitô và cuộc sống rất hấp dẫn: “Đây là một anh chàng có một ban nhạc rock làm linh mục tại giáo xứ, anh ta biết văn hóa phim ảnh và sách, anh ta đã sống ơn gọi của mình với sự mãnh liệt và niềm vui như vậy, nếu như đó là chức tư tế, thì không tệ lắm!”
Tầm quan trọng của một nhóm thanh niên tích cực
Điều thứ hai mà mỗi linh mục đều nhấn mạnh là tầm quan trọng của chương trình Life Teen (Đời sống tuổi thiếu niên) tại giáo xứ – một nhóm giới trẻ, đã thu hút học sinh từ lớp 5 đến các học sinh trung học, tại giáo xứ trong 25 năm qua.
Lm. Samide nói :“Sẽ thật thiếu sót … nếu tôi không đề cập đến vai trò then chốt mà Life Teen đã đem đến trong sự hình thành đức tin của tôi và trong sự phân định cuối cùng của tôi về một ơn gọi linh mục. Đời sống tuổi teen đã cho tôi một cộng đoàn tông đồ vững chắc và đã khuyến khích tôi đi sâu hơn trong mối tương quan của mình với Chúa Giêsu, và thật lòng mà nói, điều đó đã đưa tôi trở thành môn đệ”
Lm. Samide chia sẻ rằng, trong khi luôn tham dự thánh lễ vào những ngày lễ buộc, Life Teen đã giúp mình tự tin, cũng như giới thiệu mình với những người bạn luôn khuyến khích việc tìm kiếm Chúa. Ngài nói : “Từ chỗ là những môn đệ, tôi bắt đầu nhận thức về thiên chức linh mục.”
Lm. Schultz cũng cho thấy chương trình Life Teen tích cực như một chìa khóa để thúc đẩy ơn gọi và khuyến khích các giáo xứ đầu tư mạnh mẽ vào giới trẻ.
Đối với Lm. Mann, Life Teen không phải là nhóm mà mình thật sự muốn tham gia, cho đến khi là một thanh niên đã trưởng thành và được yêu cầu giúp đỡ chương trình.Ngài nói, nhưng giáo xứ St. Mary luôn luôn là một nơi mà giới trẻ được chào đón và tham gia vào đời sống giáo xứ, điều này đã giúp thúc đẩy văn hóa ơn gọi:“Chúng tôi luôn có những bạn trẻ xung quanh, họ luôn cảm thấy rất được chào đón và cảm thấy như một gia đình. Chúng tôi luôn có các linh mục đồng hành với giới trẻ trong những buổi chầu Thánh thể, hoặc hướng dẫn họ cầu nguyện kinh tối, hoặc lần chuỗi Mân côi, hoặc cầu nguyện với các vị thánh, luôn ở bên cạnh với họ, chia sẻ truyền thống tâm linh của Giáo hội.”
Một lời mời cá nhân
Một điều khác đã thúc đẩy ơn gọi, mà cả ba linh mục đề cập với CNA, đó là một lời mời cá nhân từ một người nào đó, vào một lúc nào đó, nhìn thẳng vào mắt, gọi tên, và khuyến khích họ ít nhất suy nghĩ về chức tư tế.
Lm. Mann nói : “Đa số mọi người đều nhìn thẳng vào mắt chúng tôi và nói: Bạn nên là một linh mục, tôi nghĩ bạn sẽ thực sự giỏi về điều đó. Bạn nên nghĩ đến điều đó. Trong Kinh thánh cũng nói, Chúa Giêsu đã gọi mỗi môn đệ của mình bằng tên.”
Lm. Mann giải thích thêm: “Tôi nghĩ rằng một học sinh trung học đến với nhóm giới trẻ của chúng tôi, vào một thời điểm nào đó đều được mời gọi suy nghĩ về điều này một cách nghiêm túc. Và, giáo xứ của chúng tôi rất ủng hộ.”
Lm. Samide cho biết ngài cũng được đưa ra một lời mời cá nhân để cân nhắc về chức tư tế. Ngài cũng lưu ý rằng một lời mời cá nhân đôi khi có thể là sự củng cố cho một người trẻ đang tìm kiếm trong sự nhận thức ơn gọi của mình. Ngài nói : “…các thành viên của giáo xứ không ngại đến gần với tôi và những người trẻ khác, và hỏi chúng tôi có nghĩ đến việc theo ơn gọi linh mục không. Sự táo bạo đó là vô giá đối với tôi. Một người trẻ có thể đang suy nghĩ đến ơn gọi linh mục, nhưng thường lại ngại ngùng để nói rõ điều đó với những người khác. Khi có một người khác đến gần, nói rằng mình có khiếu có thể trở thành một linh mục tốt, thì điều đó sẽ giúp mình cảm nhận những gì đang suy nghĩ trong lòng là thật và nhận thức ơn gọi rõ hơn.”
Các linh mục cũng đề cập đến lời cầu nguyện ơn gọi như là một khía cạnh quan trọng của giáo xứ của họ. Giáo xứ có những lời cầu nguyện cho ơn gọi trong các chuỗi Mân côi hàng ngày, trong các giờ Thánh (holy hours) hàng tuần, trong Thánh lễ và vào các dịp khác.
Nhưng cuối cùng, Lm. Mann cho biết, một chương trình năm bước không nhất thiết sẽ bảo đảm việc tăng thêm các ơn gọi – đó là cách nói về việc làm môn đệ của Chúa Giêsu. Ngài nói : “Thật là hấp dẫn và lôi cuốn khi nói: ‘Hãy cho tôi năm bước để có thêm ơn gọi tại giáo xứ của tôi, và nếu thực sự như vậy thì bạn có thể viết một cuốn sách và kiếm được nhiều tiền với điều đó, nhưng nó không hoạt động theo cách đó. Những bước đó có xu hướng đặt mọi thứ trong tầm kiểm soát của chúng ta … giống như một máy bán hàng tự động. Nếu tôi làm 5 điều này, đầu ra phải là ơn gọi. Nhưng thực sự nó thuộc về Kinh thánh hơn, là những gì đã xảy ra ở đây.”
Lm. Sam Samide cũng nhận thấy như vậy: “Khi mọi người có một mối tương quan sống động và tích cực với Chúa Giêsu Kitô, và tìm cách làm theo ý muốn của Người trong cuộc sống của họ thì ơn gọi sẽ phát triển một cách tự nhiên. Các cộng đoàn giáo xứ khi tìm cách phát triển các tông đồ, họ sẽ khuyến khích các người trẻ suy nghĩ về cách mà họ có thể phục vụ Chúa. Tông đồ chính là chìa khóa.”
(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết của Mary Farrow đăng trên CNA)