Ngoại giao của Tòa Thánh Vatican trong năm 2017

Các vị Giáo hoàng đã giải quyết cuộc chinh phạt châu Mỹ như thế nào
“Tạm dừng”, “Nhìn”, và “Trở về” với sự khoan dung của Thiên Chúa…
Việc bắt giữ các Kitô hữu ở Nepal khiến quốc tế lo lắng về tình trạng tự do tôn giáo

Một số hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh trong năm 2017 vừa qua.

Tại cơ quan Liên Hiệp quốc (LHQ) ở New York
Từ năm 1964, Tòa Thánh đã trở thành Quan sát viên Thường trực cạnh LHQ. Dù nhiều lần được yêu cầu trở thành thành viên chính thức của LHQ, nhưng Tòa Thánh vẫn chỉ giữ vị thế là quan sát viên thường trực và như thế có thể duy trì sự tự do của mình, tránh phải bỏ phiếu (hay không bỏ phiếu) về những tuyên bố chiến tranh và tự do đối với các lập trường chính trị.
Năm nay, phái bộ Quan sát viên Thường trực cạnh LHQ đã có 82 bài tham luận; trong đó 68 bài được Đức Tổng Giám mục Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh cạnh LHQ, hoặc các cộng sự viên của ngài phát biểu tại cơ quan LHQ ở New York; 10 bài được Đức Tổng Giám mục paul Richar Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh phát biểu tại New York vào tháng 9 trong tuần lễ LHQ; và 4 bài được ĐHY Peter Turkson, tổng trưởng Bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện phát biểu.
Tòa Thánh đã tham dự tích cực vào các cuộc đàm phán của Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Ngày 20/09 vừa qua, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher đã đại diện Tòa Thánh ký hiệp ước. Đây là lần đầu tiên Tòa Thánh tham dự vào các cuộc đàm phán với tư cách một quốc gia thành viên. Tòa Thánh nằm trong số 40 quốc gia ký hiệp ước.

Tại cơ quan Liên Hiệp quốc (LHQ) ở Geneve
Phái bộ của Tòa Thánh cạnh cơ quan LHQ ở Geneve và các tổ chức quốc tế đã có 48 tham luận trong năm qua. Chủ đề về di dân là chủ đề nóng bỏng. Cha Michael Czerny, phó Tổng Thư ký Ủy ban Di dân và Tị nạn của Bộ Phục vụ và Phát triển Toàn diện, đã tham dự một số cuộc thảo luận được tổ chức tại Geneva về Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc về di dân. Tòa Thánh luôn xem vấn đề di dân và tị nạn là điều quan trọng trong đường lối ngoại giao của mình.

Tại tổ chức Cộng tác và An ninh châu Âu (OSCE) ở Viên, thủ đô Áo
Phái bộ Tòa Thánh tại Viên là văn phòng của Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh tổ chức Cộng tác và An ninh châu Âu (OSCE). Tòa Thánh đã đóng góp bằng cách tham dự sinh động vào các cuộc đàm phán về Hiệp ước Helsinki năm 1975 và đang làm việc để bao gồm chủ đề tự do tôn giáo vào trong hiệp ước này.
Văn phòng của Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cũng là đại diện của Tòa Thánh cạnh Ủy ban quốc tế về năng lượng hạt nhân mà Tòa Thánh là quốc gia sáng lập. Một sự kiện chứng tỏ rằng Tòa Thánh không chống lại việc sử dụng năng lượng hạt nhân cách thiên kiến như người ta muốn nghĩ. Hoạt động quyết định về việc giải trừ vũ khí hạt nhân, được thực hiện trong một hội thảo quốc tế mới đây ở Vatican, là một phần sự dấn thân của Tòa Thánh trong việc giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, nhưng ngược lại, nó không ảnh hưởng đến quan điểm tích cực của việc sử dụng kỹ thuật hạt nhân, luôn được sử dụng với mục đích hòa bình.

Tại cơ quan Lương Nông quốc tế (FAO)
Hôm 16/10, ĐGH Phanxicô đã đến thăm FAO, cổ võ đặc tính yêu thương của sự cộng tác quốc tế. Đó là sứ vụ chống lại nạn đói trên thế giới mà Giáo hội luôn quan tâm. Trước đó, hồi tháng 6, ĐGH Phanxicô đã tặng món quà tượng trưng 25 ngàn euro để giúp các dân tộc Đông Phi đối diện với sự bất an về lương thực và đói kém. Tòa Thánh dấn thân tối đa trong việc xóa bỏ nạn đói trên thế giới. Trong bài tham luận ngày 03/10/2017 tại hội nghị quốc tế lần VI về biến đổi khí hậu, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh FAO, Đức Tổng Giám mục Fernando Chica Arellano, đã nhân mạnh đến tình trạng của các ngư phủ bị vi phạm nhân quyền trầm trọng, thường là nạn nhân của buôn người và cưỡng bức lao động. Tòa Thánh đã tổ chức một hội nghị về đề tài này tại Đài loan từ ngày 01-06/10/2017.

Tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO)
Trong bài tham luận kỳ thứ 39 của phiên họp khoáng đại của Unesco, Đức Tổng Giám mục Francesco Follo đã kêu mời tìm lại cội rễ quan trọng của giáo dục, văn hóa và đức tin để đánh bại chủ nghĩa khủng bố và nhấn mạnh đến vai trò của văn hóa trong việc hội nhập người di dân.
Đặc biệt quan trọng là vai trò ngoại giao trong việc nhìn nhận quốc gia Palestin, đã được bắt đầu với việc nhìn nhận quốc gia này ở tổ chức Unesco và được ngoại giao Tòa Thánh tiếp tục với sự đồng thuận quốc tế với Palestin, dẫn đến việc thiết lập tòa đại sứ Palestin cạnh Tòa Thánh.
Về vấn đề Israel-Palestin, Tòa Thánh giữ quan điểm quân bình, nhắm nhìn nhận “2 quốc gia” và nhắm đối thoại chính trị để đạt đến để đạt được sự cân bằng, không loại bỏ bất kỳ loại nào. Điều này cũng được thể hiện qua quan điểm về status quo của thành Giêrusalem.

Tại Tổ chức của các quốc gia châu Mỹ (OAS)
Phân bộ của Tòa Thánh cạnh tổ chức của các nước Mỹ châu cũng được Đức Tổng giám mục Bernadito Auza, quan sát viên thường trực tại LHQ ở New York hướng dẫn. Tổ chức bao gồm 35 quốc gia độc lập của Bắc Mỹ và Mỹ châu La tinh. Năm nay tổ chức này có những tranh luận quan trọng, đặc biệt về vấn đề khủng hoảng ở Venezuela. Đức Tổng giám mục Bernadito Auza cho biết sự hiện diện của Tòa Thánh tại tổ chức này trên hết là để bày tỏ sự đoàn kết và quan tâm với châu lục này, bởi vì trong thực tế, một nửa tín đồ Công giáo đang sống ở châu Mỹ. Tòa Thánh không có nhiều cơ hội để can thiệp vào các hoạt động của tổ chức này. Năm 2017, Tòa Thánh có các tham luận về chủ đề khủng hoảng tại Venezuela, về các tổ chức di dân về nhân quyền, dân chủ và diễn văn về cuộc gặp gỡ giữa hai thế giới.

Tại Hội đồng châu Âu
Phân bộ Tòa Thánh tại Hội đồng châu Âu ở Strasbour do quan sát viên Paolo Rudelli đứng đầu. Tòa Thánh cộng tác với Hội đồng châu Âu từ năm 1962 và từ tháng 3/1970, Tòa Thánh có tư cách quan sát viên. Mục đích của Tòa Thánh là để tham gia vào cuộc đối thoại xây dựng với 47 quốc gia thành viên của Hội đồng và 5 quốc gia quan sát viên và để ủng hộ tất cả sáng kiến nhắm xây dựng một xã hội dân chủ dựa trên việc tôn trọng phẩm giá con người.
Trong số các hoạt động quan trọng của phân bộ Tòa Thánh tại Hội đồng châu Âu là việc tham dự và thăng tiến các cuộc gặp gỡ trao đổi về chiều kích tôn giáo của việc đối thoaị liên văn hóa.

Số các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh
Tòa Thánh có quan hệ song phương với 183 quốc gia. Quốc gia cuối cùng thiết lập quan hệ này là Myanmar.
Tòa Thánh không có quan hệ ngoại giao hoàn toàn với 13 quốc gia. Trong số này 8 nước không có đại diện là Afghanistan, Arabia Saudita, Bhutan, Trung quốc, Bấc hàn, Maldive, Oman e Tuvalu. 4 nước có đại diện Tòa Thánh là Comore, Somalia, Brunei và Lào. Đối với Việt nam, mới bắt đầu có các liên lạc để tiến đến một quan hệ ngoại giao hoàn toàn.

(Hồng Thủy, đài Vatican)