Thiên Chúa đã làm điều này: Một trường Công giáo cho trẻ khiếm thính tại Uganda

South Carolina: Cựu Phó Tổng thống Biden bị từ chối rước lễ tại một giáo xứ
ĐTGM Gomez kêu gọi mọi người cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi những vụ cháy rừng ở tiểu bang California
Một mục sư Tin lành đã bị giam giữ tại Trung Quốc từ tháng 12/2018

 

Rannah Evetts và học sinh khiếm thính tại trường St. Francis de Sales ở Uganda – Ảnh : CNA

Đó là ngôi trường mà Thiên Chúa đã dùng qua tấm lòng của Rannah Evetts, một thiếu nữ 22 tuổi ở tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, thành lập nên.
Rannah Evetts đã luôn muốn đến Phi châu. Cô không có lời giải thích nào khác hơn về sự yêu mến này ngoài lý do duy nhất: Thiên Chúa đã gieo một tình yêu sâu sắc của tất cả mọi thứ từ Châu Phi trong trái tim của cô từ khi cô có trí khôn. Rannah hồi tưởng: “Kể từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã thường nói rằng tôi sẽ đến Phi châu. Tôi thật sự không hiểu tại sao, và mẹ tôi đã gọi tôi là đứa trẻ Phi châu  của bà vì  Phi châu là tất cả những gì tôi luôn muốn nói đến.”
Hiện thời, Rannah đang sống trong giấc mơ thuở  ấu thơ của mình, cô đã thành lập một trường Công giáo cho trẻ em khiếm thính ở Uganda khi cô mới có 21 tuổi. Đó là một
hiện thực mà cô không bao giờ có thể tưởng tượng được.
Evetts thích nói về Châu phi khi còn là một cô bé. Nhưng có rất nhiều điều mà cô ấy không nói đến – đó là việc cô bị xâm phạm  tình dục. Evetts đã trải qua thời kỳ đau đớn vì hậu quả này. Cô đã âm thầm chịu đựng trong nhiều năm vì trầm cảm, nghĩ đến việc tự tử, tự ghét mình và tuyệt vọng. Cô nói với CNA: “Thiên Chúa đã làm việc với tôi, qua rất nhiều tổn thương và đau đớn.”
Evetts đã từng ném mình vào các cuộc vui chơi,  tiệc tùng, tìm kiếm sự giải thoát cho mình vì tuyệt vọng khi tìm kiếm hạnh phúc ở trường trung học. Cô chia sẻ : “Tôi muốn được hạnh phúc, tôi đã quá mệt mỏi vì tự ghét bản thân mình và tự làm khổ mình, và vì vậy khi còn là một học sinh trung học, tôi bắt đầu tham dự tiệc tùng rất nhiều … Nhưng rồi  tôi nhanh chóng nhận ra điều này không làm tôi hạnh phúc, tôi chỉ cảm thấy đau khổ thêm nhiều hơn nữa.”
Thế là Evetts bắt đầu tìm đến các nhà thờ khác nhau với bạn bè và gia đình vào cuối tuần để tìm kiếm câu trả lời cho chính mình. Trong một thời gian, khi chưa bao giờ lãnh nhận Bí tích Rửa tội,  cô đã đi hết nhà thờ này đến nhà thờ khác, nhưng vẫn không  tìm ra được câu trả lời, cho đến khi cô bắt đầu tìm hiểu đến đức tin Công giáo.
Cô nói :
“Khi tôi đang học năm lớp 12, tôi bắt đầu học giáo lý cho người lớn (RCIA). Thông qua tất cả những điều đó, tôi đã từ bỏ việc uống rượu, không ăn chơi nữa. Thay vào đó,  tôi luôn đọc Kinh Thánh, và nhận ra rằng tôi chỉ ao ước có Chúa Giêsu bên mình. Tôi biết rằng thế giới không thể chữa lành bệnh cho mình, chỉ có Chúa mới làm được điều đó.”
Vào cuối năm lớp 12, khi lãnh Bí tích Rửa tội, Evetts cảm thấy sự hiện diện của Chúa Kitô trong trái tim mình một cách không thể diễn tả được. Cô cảm thấy Thiên Chúa gọi cô mở ra một sứ mạng mới, qua đó có thể kết hợp những phần dường như không liên quan đến cuộc sống của cô, bao gồm cả tình yêu của cô dành cho Phi châu, và hiểu biết về ngôn ngữ ký hiệu (sign language) của Mỹ.
Evetts chia sẻ: “Thật khó để giải thích những trải nghiệm về sự hiện diện thật sự của Đức Kitô trong tâm hồn tôi,  khi tôi được rửa tội… và nhận Thánh Thể, đón nhận Mình Thánh Ngài, từ đó tôi từ bỏ mọi thứ không tốt đẹp. Đó là khi Ngài mở cánh cửa cho tôi  và nói ‘ Đây là những gì Cha muốn con làm và đây là lý do tại sao.’”
Khi theo học tại một trường trung học ở Texas, Evetts không có lựa chọn nào khác về lớp học ngoại ngữ. Bởi lẽ, nhà trường chỉ có hai lớp học về môn ngoại ngữ là tiếng Tây Ban Nha hoặc lớp ngôn ngữ ký hiệu (American Sign Language, ASL). Evetts cho biết cô đành chọn lớp ngôn ngữ ký hiệu bởi vì cô nghĩ rằng lớp này cũng “vui”, và em gái cô cũng học cùng lớp
Cô nói: “Đó chỉ là một lớp mà tôi phải học, cho dù tôi nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ mình sử dụng đến nó, thậm chí tôi còn nghĩ đến việc bỏ lớp học giữa chừng”
Nhưng vào năm lớp 12,  khi theo đạo Công giáo, Evetts cảm nhận được Chúa đã bắt đầu đánh động trái tim mình qua lớp ngôn ngữ ký hiệu, đặc biệt là khi cô hoàn thành một dự án về khiếm thính ở Uganda.
Evetts biết được rằng người điếc ở Uganda thường bị hiểu lầm và thường bị ngược đãi, bị coi là tội nhân, thậm chí là bị nguyền rủa. Cô ấy nói rằng người điếc thường bị loại bỏ vì sự ác tâm, hoặc vì thiếu nguồn lực.
Cô chia sẻ: “Tôi liên kết với những người khiếm thính ở đây bởi vì họ bị bỏ rơi, họ bị coi là những người bị nguyền rủa, họ bị coi là tội nhân, và vì thế họ bị loại khỏi thế giới, họ đang sống trong bóng tối và sự im lặng này. Và Chúa đã lôi kéo tôi, ban cho tôi  hạnh phúc, sau những tháng năm tôi đắm chìm trong đời sống tăm tối. Chúa đã lấy đi tất cả những đau buồn của tôi từ việc tôi ghét bản thân mình, cảm thấy  không có bạn bè, không có ai để nói chuyện,  chỉ muốn chết, không tìm thấy  mục đích gì trong cuộc sống… cho đến những đấu tranh tư tưởng của tôi sau khi bị lạm dụng tình dục…Ngài biến đổi mọi thứ và Ngài nói: ‘Ta đang biến tất cả những đau khổ thành  ân sủng’. Và Ngài đã gởi  những người điếc ở đây đến với tôi. Đó là việc Ngài đã làm.”
Sau khi tốt nghiệp trung học, Evetts đã bay tới Uganda lần đầu tiên và làm việc trong bảy tháng cho một trường học được thành lập cho người khiếm thính tại thủ đô Kampala. Qua kinh nghiệm đó, cô gặp một linh mục trong một làng ở miền Bắc Uganda, trong một khu vực có hàng trăm trẻ em khiếm thính và không có nguồn trợ lực cho họ.
Evetts nhớ lại:
“Khi đó, tôi vừa mới quay trở lại phòng mặc áo và tôi nói: chào cha, con là Rannah, con có thể nói chuyện với cha được không?
Buổi gặp gỡ ban đầu đã mở ra những cuộc nói chuyện tiếp theo, kéo dài hơn một năm rưỡi, trong khi đó cô Evetts, vị linh mục và giám mục địa phương đã bắt đầu khởi xướng việc thành lập trường học cho người khiếm thính.
Vào năm 2016, cô Evetts chuyển đến một khu làng trong 5 tháng để làm quen với đời sống trong khu vực và điều chỉnh theo văn hóa địa phương, và để xem giấc mơ của cô có thể trở thành hiện thực hay không. Vào tháng 9 năm 2016, giám mục địa phương đã cho phép cô sử dụng một căn nhà dạy giáo lý cũ, “và ngài nói  “con hãy bắt đầu đi.”
Vào tháng 2/2017, lần đầu tiên trường St. Francis de Sales dành cho người khiếm thính đã được mở. Trường đã chọn thánh Phanxicô  làm quan thầy vì ngài đã phát triển một ngôn ngữ ký hiệu để giảng kinh thánh và dạy đức tin Công giáo cho Martin, một người bị điếc. Trên trang mạng của trường, lời tuyên bố sứ mệnh (mission statement) được viết như sau: “Chúng tôi hiện diện nơi đây để thúc đẩy việc giáo dục và phúc lợi của người khiếm thính ở khu vực Tây sông Nile. Quan trọng nhất là chúng tôi đến đây để thực hiện một ý nghĩa sâu sắc hơn đằng sau câu “Eph’phatha” (Hãy mở ra) của Chúa Kitô trong Tin nừng Máccô: ‘… và nhìn lên thiên đàng, ngài thở dài và nói với người bị điếc rằng,“ Eph’phatha,” nghĩa  là, ‘hãy mở ra.’ Và đôi tai của người ấy được mở ra, lưỡi trở nên bình thường và  nói một cách rõ ràng. Người điếc thường bị ruồng bỏ trong xã hội Uganda; bị cô lập, tước đoạt quyền lợi của họ, và bị những người không điếc khinh miệt. Họ dễ dàng bị lạm dụng, bị sách nhiễu tình dục và bị bỏ rơi bởi xã hội. Họ thường được bị coi là  những người  ngu ngốc, bị nguyền rủa, và nhiều bậc cha mẹ vẫn nghĩ rằng đó là một sự lãng phí tiền bạc để gửi chúng đến trường. Chúng tôi đến đây để thay đổi những thành kiến này,  mở ra một nền giáo dục tốt, và trao cho học sinh khiếm thính của chúng tôi điều quý giá nhất trong thế giới này: đó là Chúa Giêsu Kitô.”
Evetts nói rằng điều cô cảm động nhất là tình yêu mà Chúa đã ban cho cô để trao đổi ngôn ngữ cho những người không thể nói được. Cô nói : “Tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ chẳng làm được việc gì với ngôn ngữ ký hiệu, nhưng hình như mỗi ngày Thiên Chúa biểu lộ một nhiều hơn qua việc tại sao tôi đang làm những gì tôi đang làm. Tôi biết là tôi muốn truyền giáo, tôi biết tôi muốn chia sẻ lời của Chúa với mọi người và những gì Ngài đã làm trong đời tôi. Đó là điều vĩ đại những gì Ngài đã làm cho tôi, và bạn không thể không chia sẻ điều đó với mọi người! Tôi là một người đã thay đổi và bạn biết không, tôi đang bùng cháy!Nó giống như, ‘không, tôi đã sang phía bên kia thế giới, tin tôi đi!'”
Nhưng thực hiện sứ mệnh đó cũng đã không dễ dàng. Trường mở cửa cho trẻ em từ 3-14 tuổi và những độ tuổi này mang đến nhiều nhu cầu khác nhau. Khi lần đầu tiên đến, hầu hết trẻ em không có cách nào để nói lên những nhu cầu, những suy nghĩ, những trải nghiệm, nỗi đau hoặc ý tưởng của chúng. Evetts nói: Đột nhiên bọn trẻ bị ném vào đây và chúng không biết chuyện gì đang xảy ra. Trường chúng tôi có những đứa trẻ đã chạy trốn, rất nhiều đứa trẻ đã khóc thét lên khi thấy tôi bởi vì  chúng chưa bao giờ thấy tôi… Việc mang lại cho bọn trẻ một ngôn ngữ  là một thách thức vô cùng khó khăn đối với tôi mỗi ngày.”
Bên cạnh đó, những khó khăn cá nhân cũng đã là một thách thức cho Evetts. Cô là người nước ngoài duy nhất sống trong làng, người phụ nữ duy nhất sống tại giáo xứ, và người duy nhất mang một văn hóa riêng trong khu vực… Những điều này cũng khiến Evetts cảm thấy bị choáng ngợp bởi trách nhiệm to lớn trên vai. Cô chia sẻ: Tôi cảm ơn mẹ mình rất nhiều, bởi vì mỗi khi tôi nghĩ đến chuyện nói với mẹ rằng ‘Mẹ ơi, con muốn về nhà, bởi vì con không biết mình đang làm gì’, thì mẹ tôi  sẽ luôn bên cạnh và cầu nguyện với tôi.”
Evetts vẫn đang chiến đấu với mình để vượt qua tâm lý lo âu và chữa lành những tổn thương từ việc bị xâm phạm tình dục trong quá khứ. Cô chia sẻ: “Tôi muốn nói với bạn điều này bởi vì … nó cho thấy sự tốt lành của Chúa,  bởi vì có những ngày tôi không thể vượt qua được. Tôi mới có 22 tuổi và tôi không biết mình đang làm gì. Tôi là người thủ lãnh của tất cả những điều này,  tôi đang làm việc ở một đất nước khác, và có những vấn đề của riêng tôi … Tôi phải đối diện với tất cả những lo toan ấy và một mình trong im lặng với Chúa.”
Có những khoảnh khắc trong vài tuần cô cảm thấy mình không thể ra khỏi giường vào buổi sáng. Cô nói : “Nhưng tôi muốn chia sẻ điều đó với bạn bởi vì nó cho thấy rằng Thiên Chúa đã làm điều này. Bạn nói ‘vâng’ với Chúa và Ngài thực hiện điều đó nơi bạn. Bởi vì đây là trường  và  sứ vụ của Ngài. Tôi không biết phải giải thích điều này với bạn như thế nào, nhưng Ngài ở đây và mọi việc đã nằm dưới quyền điều khiển của Ngài.”
Cô cho rằng những thay đổi mà cô và các nhân viên bắt đầu nhận ra nơi các học sinh trong một năm qua là một thành quả khó tin được. Những trẻ em đến đây là những người đã từng bị hãm hiếp, lạm dụng hoặc bỏ bê vì khuyết tật của chúng. Tính cách cũng như hành vi của các em đã được biến đổi kể từ khi chúng đến đây học và bắt đầu có được một ngôn ngữ.
Vào đầu năm, nhiều bậc cha mẹ miễn cưỡng gửi con đến trường nội trú, và tin rằng không thể nào mà giáo dục một đứa trẻ bị điếc được. Nhưng vào một buổi tối sau khi kỳ học đầu tiên kết thúc, bọn trẻ  trở về nhà,  và cha mẹ các em đã bắt đầu gọi điện cho nhà trường trong sự vui mừng và ngạc nhiên.
Evetts chia sẻ: “Họ thấy, ‘có nhữngđiều được viết trong tập vở của các em, Có những điểm số! ’ Sau đó con cái của họ đã dùng những ký hiệu được học này  để  trò chuyện với cha mẹ của mình. Các bậc phụ huynh nói  ‘chúng tôi không hiểu những gì bọn trẻ nói nhưng chúng biết những ký hiệu này và chúng đang nói chuyện bằng tay! Vì vậy họ thực sự nhìn thấy việc cho con đến trường mang lại hiệu quả và đó  là một sự khích lệ thực sự cho các bậc cha mẹ”
Trường mới vừa bắt đầu năm thứ hai, với 50 học sinh theo học. Trường học này gần đây đã được cấp phép, và kế hoạch cuối cùng là tìm đủ đất để xây dựng trường nội trú cho hơn 300 học sinh tiểu học khiếm thính trong khu vực.
Evetts cho biết cộng đồng địa phương đã nâng đỡ trường với một tình yêu rất đáng khích lệ. Là người da trắng duy nhất trong khu vực, Evetts cho biết nó sẽ tự động mang lại cho cô rất nhiều sự chú ý, từ đó cô càng chú tâm đến công việc của mình với trẻ em khiếm thính.
Evetts tâm sự: “Chúa sử dụng điều đó,  và  tôi bắt đầu  giải thích về ngôn ngữ ký hiệu, về sự khiếm thính và cho các em biết điều này tuyệt vời như thế nào. Chúng tôi đã đi dạo quanh thị trấn, chơi những trò chơi với các học sinh, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Nhiều người đã trố mắt ngạc nhiên và nhìn chằm chằm như thể muốn biết điều này có ý nghĩa thế nào, người da trắng cũng biết ngôn ngữ này sao? Năm nay, trường đã có thêm những tình nguyện viên đến và càng có nhiều người biết ngôn ngữ ký hiệu, cũng như tạo thêm sự chú ý cho cộng đồng. Cơ quan từ thiện Caritas hiện đang tài trợ cho trường của chúng tôi, nhờ đó, trường đang phát triển và tôi thấy rằng cộng đồng đã thực sự giúp đỡ chúng tôi, thật là tuyệt vời. ”
Evet nói phần thưởng lớn nhất qua kinh nghiệm của cô là cách Chúa đã dùng câu ‘xin vâng’ của cô và ‘xin vâng’ của các nhân viên của trường để biến đổi cuộc sống và làm điều gì đó mà họ không thể hoàn thành nếu không có Ngài.
Evetts chia sẻ: “Bạn càng gần gũi với Thiên Chúa trong sự im lặng của mình, thì đó là nơi Ngài lại tỏ lộ chính Ngài, đó là ngôn ngữ của Ngài. Và không chỉ vậy, Ngài còn tỏ lộ bạn với bạn – Ngài kéo những điều ấy ra khỏi bạn, và tôi thực sự biết rằng tôi đã đến gần Ngài hơn. Ngài giúp tôi nhận ra thánh ý của Ngài:  ‘Đây là lý do tại sao Cha  mong muốn  con thi hành sứ vụ này. Cha sử dụng những nỗi đau buồn, bất hạnh của cuộc đời con và biến đổi nó trở thành niềm hạnh phúc’. Tôi cảm nhận đó là tất cả Lời của Ngài.”

(Tóm lược  và chuyển ngữ từ bài viết của Mary Rezac trên CNA 3/6//2018)