Việc thương mại hoá tro cốt: một thách thức đối với đức tin

Làm thế nào người mẹ của những đứa trẻ khuyết tật này có thể giúp người khác ‘chấp nhận món quà’
Thẩm phán Brett Kavanaugh được chính thức vào Tối cao Pháp viện
Cắt bỏ tử cung khi xác định là không thể sinh sản được khẳng định hợp luân lý

Ở ngay giữa một Rôma hiện đại, trên bờ sông Tiber, chỉ còn lại một tàn tích đổ nát mà một thời đã từng là một một kiến trúc đồ sộ của Đế quốc La mã. Đó là Lăng mộ của  Hoàng đế Augustus. Nhà sử học Hy Lạp Strabo ghi lại rằng Augustus, vị hoàng đế đầu tiên của Rôma, đã xây dựng lăng mộ này vào năm 23 trước Chúa Giêsu để bảo tồn hài cốt của ông và gia đình khi họ qua đời.

Kích thước của lăng mộ này chỉ đứng sau kim tự tháp Ai Cập. Nó bảo tồn tro cốt của Hoàng đế Augustus, Tiberius, Claudius, Vespasian và Caligula. Lăng mộ của Augustus đã là bằng chứng cho ước muốn của dân ngoại La mã để tôn vinh những kẻ cai trị của họ đã chết. Qua bao nhiêu thế kỷ, ký ức về những người chết chôn trong lăng tẩm này vẫn được nêu lên. Họ đã không bị lãng quên như những người đã sống và chết rồi đi qua bên kia thế giới.

Kể từ cuối thế kỷ XX, ngày càng có nhiều người chọn hình thức hỏa táng thay cho sự chôn cất để rồi từ đó hình như  người qua đời đã bị quên lãng và không còn được kính trọng nữa. Bây giờ hầu như tất cả những cái chết thường được nghĩ “chết là hết” và không có gì hơn nữa. Kết quả là thân xác con người chỉ được xem như một cái gì đó đã được tạo ra, đã hoàn tất cuộc sống và bây giờ  trở về với thiên nhiên.

Những thân nhân của người đã chết không muốn chôn tro cốt. Thay vào đó, họ rải tro cốt của người quá cố  trên núi, dưới sông, dưới biển, trong vườn của họ hoặc bất cứ nơi nào khác mà họ nghĩ là có thể có ý nghĩa quan trọng đối với người chết khi còn đương thời. Một số người  thậm chí còn biến tro cốt người thân  thành phân bón để rắc dưới gốc cây!

Ngày nay, có rất nhiều cách thương mại hóa để giải quyết xác của người chết. Đồ trang sức cũng có chứa phần tro cốt. Các dĩa ghi âm bằng nhựa được làm từ tro hỏa táng. Bong bóng bay được chứa đầy tro cốt và được thả ra ngoài trời. Pháo bông từ tro hỏa táng được đốt trong ngày giỗ của người quá cố. Hoặc thậm chí các viên kim cương nhân tạo được làm từ tro cốt.  Hình thức hỏa táng đang nhanh chóng trở thành một ngành công nghiệp thương mại phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Là Kitô hữu, đức tin của chúng ta sẽ định hướng cho chúng ta. Và, chắc chắn rằng, cách mà chúng ta an táng người thân của chúng ta không những là biểu lộ sự kính trọng họ mà nó còn thể hiện đức tin của chúng ta. Con người không chỉ là một vật thể! Con người có thể xác và linh hồn hợp nhất nên một không thể tách rời nhau. Chính thể xác của chúng ta, đã được rửa sạch trong nước rửa tội, là đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Khi chúng ta chết, chúng ta vẫn tiếp tục tồn tại. Khi chết, linh hồn chúng ta sẽ đứng trước sự phán xét của Thiên Chúa. Thân xác của chúng ta trở về với đất nơi mà nó đã được tạo ra, như chúng ta đang chờ đợi sự sống lại của ngày sau hết. Trong ngày sau hết, “Chúa Kitô sẽ cho xác loài người sống lại và chúng ta sẽ cùng được hưởng phúc vinh quang với Người” (Phụng vụ Tang lễ, xem Phi-líp 3:21).

Vì vậy, thân xác của một người chết không thể loại bỏ như một chiếc áo cũ. Cũng không được bỏ đi như một vật gì đó không có giá trị. Cái chết không phải là sự hủy diệt của con người. Khi hỏa táng là sự chọn lựa để mai táng, tro cốt không bao giờ được tung rải đi. Chính việc  này sẽ là hành động để xoá bỏ danh tánh của người quá cố. Bởi vì con người không phải chết là hết, vì vậy tro cốt của họ phải được tôn trọng và được đặt trong một ngôi mộ hoặc đặt trong một kim tĩnh với danh tánh của họ.

Giữ tro cốt của một người chết ở nhà chỉ làm cản trở sự nguôi ngoai đau buồn. Nó cũng không tôn trọng thực tế là mỗi người chúng ta thuộc về một cộng đồng rộng lớn hơn gia đình hoặc bạn bè gần gũi của chúng ta. Khi chết, chúng ta được mời gọi từ gia đình, bạn bè và người thân quen của chúng ta để gia nhập một cộng đồng rộng lớn của tất cả những ai tin Chúa trong khi sống trên trái đất và bây giờ sẽ sống với Ngài trên nước trời. Nghĩa trang là nơi để nhắc nhở chúng ta về sự hiệp thông của cuộc sống vượt qua khỏi mồ mả. Đặt tro cốt của người thân yêu của chúng ta trong nghĩa trang sẽ giữ những kỷ niệm của họ sống mãi, ngay cả sau khi những người thân của họ cũng đã qua đời từ lâu.

Sự tôn trọng mà chúng ta dành cho thân xác người chết của chúng ta sẽ thể hiện tình yêu thương của chúng ta đối với họ. Sự tôn trọng mà chúng ta dành cho thân xác của họ sẽ nối kết với linh hồn của người ra đi trong tình yêu mà sự ra đi đã khẳng định niềm tin của chúng ta vào sự phục sinh. Như vậy, hiểu biết hơn về cái chết của người Kitô giáo sẽ giúp chúng ta tránh xa những suy nghĩ thương mại an táng tro cốt.

(Tóm lược và chuyển ngữ bài của Đức cha  Arthur Serratelli  trên CNA)