
Suy niệm
Chúng ta biết được về thánh Mônica là nhờ thánh Âutinh viết trong cuốn tự thuật số 9 của ngài.
Thánh Mônica (332-387) là bổn mạng của những cha mẹ chịu đựng đau khổ vì gánh nặng gia đình. Bà phải chịu đựng người chồng là Patrice có tính khí hung hăng, nóng như lửa, và ngay cả dữ dằn. Bà phải chịu đựng người con là Âutinh ăn chơi trác táng và nhất là chạy theo những tà thuyết xa rời đức tin. Nhưng nhờ lời cầu nguyện trong nước mắt và nhờ gương lành của thánh Monica, người chồng và người con đã ăn năn hối cải.
Thánh nữ chia sẻ, bà không bao giờ bị chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, trong khi bạn bè cùng trang lứa, cho dù có chồng hiền lành hơn, vẫn bị những trận đòn. Thánh nữ giải thích rằng, sở dĩ chồng bà luôn biết “kìm hãm cánh tay” để không đụng đến bà, là bởi vì chính bà đã luôn biết “kìm hãm miệng lưỡi” của mình, tránh nói điều không hay với chồng và người mẹ chồng khó tính.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã “chạnh lòng thương” và làm cho người con trai của bà goá sống lại, vì Ngài thấy bà đang khóc. Chắc hẳn Chúa cũng đã thấy những giọt nước mắt và tình thương của thánh Mônica dành cho chồng và cho con, nên đã làm cho thánh Âutinh không chỉ “sống lại”, mà còn trở thành một vị thánh vĩ đại của Giáo Hội.
Mong sao các bậc làm cha mẹ, cách riêng các bà, các chị, biết chăm lo cho gia đình, cho con cái, chăm lo bằng tình thương chân thành và nhất là bằng lời cầu nguyện kiên trì hằng ngày.
Chắc chắn những lời cầu xin đong đầy nước mắt sẽ đụng chạm đến trái tim nhân lành của Chúa, vì Ngài đã thấy và đã nghe tiếng khóc của bà goá và của thánh Mônica khi xưa thế nào, thì hôm nay Ngài vẫn đang thấy và nghe chúng ta như vậy.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội, CSsR.