Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn sau đây : “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng : ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy ?’ Ông đáp : ‘Kẻ thù đã làm đó !’ Đầy tớ nói : ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không ?’ Ông đáp : ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt : Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’.”
Suy niệm
Người đầy tớ trong dụ ngôn xem ra nóng vội và muốn nhổ cỏ lùng đi luôn. Còn ông chủ thì tỏ ra bình tĩnh đến vô lý khi chấp nhận cỏ lùng cùng lớn lên với lúa cho tới mùa gặt.
Đó chính là sự khác biệt giữa cái nhìn của chúng ta và cái nhìn của Chúa.
Chúng ta không chấp nhận cỏ lùng bên cạnh lúa, không chấp nhận cái xấu, cái ác, người tội lỗi bên trong Giáo Hội, trong giáo xứ, trong gia đình hay trong xã hội. Còn Chúa thì vẫn luôn kiên nhẫn chờ đợi, kiên nhẫn kêu mời người tội lỗi quay trở về.
Cho dù cỏ lùng vẫn mãi là cỏ lùng, thì ông chủ vẫn chấp nhận nó mọc chung với lúa. Cũng vậy, Thiên Chúa mãi kiên nhẫn chờ đợi, cho dù người tội lỗi không có chút dấu hiệu hoán cải.
Chờ đợi, yêu thương và tha thứ, đó chính là căn tính của Chúa của chúng ta.
Ước chi ta biết học nơi Chúa lòng kiên nhẫn để đón nhận và cầu nguyện cho những người yếu đuối, tội lỗi, người đó có thể là cha, là chồng, là đứa con ngỗ nghịch, nghiện ngập hay đã bỏ đi lễ, bỏ đọc kinh…
Chắc hẳn ta mong là lúa tốt, nhưng ta cũng có đầy cỏ lùng nơi mình. Vì vậy, chính ta cũng nên luôn ý thức rằng, mình cần được Chúa chờ đợi và tha thứ.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội CSsR.