Thành Siena thế kỷ 14, nơi thánh Catarina sống, bây giờ là nước Ý, lúc đó có vẻ như là ngày tận của thế giới. Bệnh dịch Bubonic lúc đó đang tràn lan khắp châu Âu từng đợt, và cuối cùng đã tàn sát 60% dân số. Ngôi vị Giáo hoàng bị chia rẽ và chiến tranh nổi dậy. Những người giàu có trong Giáo hội đã mua quyền bán tước; ngay cả các giám mục cũng cố gắng củng cố để các thành viên gia đình sẽ là người thừa kế ngôi vị. Giáo hoàng đã sống ở Pháp 70 năm, cho dù ngài sẽ trở lại Rôma, nhưng Chủ nghĩa Ly giáo Tây phương đã xảy ra ngay sau đó, với ba người đòi được thay quyền của thánh Phêrô.
Linh mục Thomas McDermott, O.P., một học giả về Thánh Catarina của Siena, nói với CNA: “Thánh Catarina đã sống trong thời kỳ khủng khiếp. Lúc ấy mọi người thực sự nghĩ rằng thế giới sắp đến hồi kết thúc.”
Tình trạng của thế giới, và Giáo hội mà chúng ta đang sống ngày nay khác so với thời của thánh Catarina, mặc dù trong một số hoàn cảnh sự rắc rối mà Giáo hội gặp phải cũng không phải là ít hơn. Làn sóng mới của những vụ bê bối lạm dụng tình dục và những cáo buộc về vấn đề này đã làm rung chuyển Giáo hội trên khắp thế giới một lần nữa.
Lm. McDermott lưu ý rằng, khi thánh Catarina nói về Giáo hội, bà thường gọi đó là Thân Thể của Chúa Kitô, theo truyền thống của thánh Phaolô. Ngài nói : “Thánh Catarina nói rằng khuôn mặt của Giáo hội là một khuôn mặt xinh đẹp, nhưng chúng ta đang trút rác rưởi vào đó. Hội thánh có khuôn mặt đẹp, đó là mặt thiêng liêng của Giáo hội, nhưng con người chúng ta đang phá vỡ đi; chúng ta đang làm biến dạng Thân Thể của Đấng Kitô qua tội lỗi của chúng ta. ”
Trong khi cuộc khủng hoảng lạm dụng hiện tại và các vụ bê bối liên quan đã khiến nhiều người Công giáo đang đi tìm câu trả lời, thì một số người Công giáo đã đề nghị tìm đến các vị thánh – như thánh Catarina của thành Siena – như người hướng dẫn
Catarina là ai?
Catarina sinh ngày 25/3/1347, là người con thứ 25 sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Siena. Tuy nhiên, khoảng một nửa số anh chị em của bà đã không sống sót trong thời thơ ấu.
Khi còn nhỏ, Catarina rất mộ đạo, thậm chí bà đã chống lại bố mẹ khi họ cố gắng gả chồng cho cô, mà người đó lại là chồng của một trong những chị em ruột của bà đã chết. Thay vào đó, Catarina đã chọn ăn chay, cắt tóc của mình, tìm cách làm cho mình không còn hấp dẫn nữa. Cuối cùng, bà đã thề rằng sẽ sống trinh tiết với Chúa Kitô, và trải nghiệm một cuộc hôn nhân thần bí với Người ở tuổi 21.
Tuy nhiên, thay vì vào tu viện, Catarina đã chọn sống một cuộc sống cầu nguyện và sám hối ở nhà, như một người dòng ba Đa Minh. Bà đã trải qua nhiều năm gần như cách ly, trong một căn phòng giống như chiếc hộp, bên dưới những bậc thang trong nhà cha mẹ, và dành nhiều ngày để đối thoại với Chúa Kitô.
Sau nhiều năm sống ở nhà như đời tập viện dòng tu, khoảng 25 tuổi, Catarina nghe thấy Chúa Giêsu khuyên bảo mình cần phải sống một cuộc sống cộng đồng hơn.
Lm. McDermott nói : “Catarina nghe Chúa nói bây giờ con phải đi ra ngoài và chia sẻ những thành quả của suy niệm của con với những người khác. Đó thật là hành động của con người Đa Minh, từ Triết lý thần học của thánh Thomas Aquinas.”
Catarina vâng lời và trở lại hòa nhập với gia đình trong các hoạt động hàng ngày. Bà cũng bắt đầu phục vụ người nghèo, và nhanh chóng trở nên nổi tiếng với các công việc từ thiện của mình. Bà qui tụ những người đàn ông và phụ nữ trẻ tuổi cộng tác với mình – nhiều người trong số họ từ những gia đình giàu có, có địa vị xã hội cao – bởi vì họ rất thích tính nhiệt tình và sự thánh thiện của Catarina.
Catarina đi làm việc cộng đồng – và tham gia vào chính trị
Khi Catarina quay trở lại cuộc sống công khai hơn, bà trở nên kết hợp và hòa nhịp với những điều xảy ra trong Giáo hội.
Vào thời điểm đó, ĐGH Gregory XI sống ở Avignon và đang có bất đồng với Cộng hòa Florence. Ngài đặt Florence dưới sự cấm cách; về cơ bản tương đương như vạ tuyệt thông cả một thành phố – không được đón nhận các bí tích, cùng với một số các biện pháp trừng phạt khác.
Qua đời sống cầu nguyện và sự tư vấn của các vị linh hướng, Catarina bắt đầu trao đổi với các đại diện Giáo hoàng và ngay cả giáo hoàng, cố gắng làm nhịp cầu hòa bình ở Florence và ủng hộ việc cải cách nơi bà nhìn thấy những tham nhũng đang xảy ra.
Catherine Pakaluk, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Công giáo của Mỹ và cũng là người sùng mộ thánh Catarina cho biết: “Vị Sứ thần Tòa thánh tại Florence trong thời của Catarina bị các gia đình quyền lực ở Florence rất ghét, vì các gia đình quyền lực cảm thấy rằng họ đã bị Đức Giáo hoàng ngược đãi.”
Lm. McDermott nói : “Catarina đã viết thư cho các Sứ thần, cho Đức Giáo hoàng, và cố gắng ngăn chặn cuộc nội chiến giữa các nơi ấy với Tòa Thánh. Bà làm những việc này trước khi cuộc ly giáo vĩ đại xảy ra và khi mọi sự trở nên thật sự tồi tệ.”
Những áp lực và căng thẳng quá cao đến mức vị Sứ thần Tòa Thánh tại Florence cuối cùng đã bị sống ngoài đường phố.
Giáo su Pakaluk lưu ý: “Vì vậy, khi chúng ta nghĩ về những gì đang xảy ra hôm nay đã gây sốc và đáng sợ như thế nào, hãy nghĩ đến mọi sự đã khá xấu xa vào thời thánh nữ Catarina. Bản chất của các tội ác một góc độ nào đó có khác nhau, nhưng những căng thẳng thực sự cao và những người này khá bạo lực.”
Lm. McDermott nói, thời đó, Catarina đã bị lôi cuốn vào chính trường Giáo hội không phải vì cảm giác tham vọng bị mai một, nhưng bởi vì bà yêu Giáo hội như yêu Chúa Giêsu: “Catarina tham gia vào chính trường của Giáo hội vì lợi ích tốt nhất của mọi người và của Giáo hội, không phải vì bà ấy thích làm chính trị.”
Catarina đã hưởng ứng lời kêu gọi của nhiều người Công giáo khác trong thời ấy để Đức Giáo hoàng trở về Rôma, như một phần trong nỗ lực của bà để giải quyết các vấn đề của Giáo hội.
Sau khi viết một số thư từ, Catarina đã lên đường bộ hành với những người theo bà để đích thân gặp Đức Giáo hoàng. Lm. McDermott chia sẻ: “Là một người thường sống quanh nhà nhưng đã đích thân đi bộ tới Pháp cùng với những người theo bà, đó là một điều phi thường, nhưng Catarina đã chuẩn bị làm bất cứ điều gì cho Giáo hội, bởi vì Giáo hội là Thân Thể của Chúa Kitô”.
Trong số nhiều người xin Đức Giáo hoàng trở về Rôma trong giai đoạn từ năm 1309 đến 1377, thánh Catarina dường như là người đã thuyết phục nhiều nhất.
Trong chuyến viếng thăm của mình, Catarina chia sẻ những phần về giấc mơ của Đức Giáo hoàng, điều mà ngài chưa nói với ai. Lm. McDermott nói: “Sự chia sẻ ấy đáng kinh ngạc với ngài (rằng cô ấy biết về giấc mơ) và ngài đã lấy đó như là một dấu chỉ rõ ràng rằng Thiên Chúa đã nói chuyện với ngài qua người phụ nữ này. Vì vậy, sau nhiều thập kỷ lưu vong, trong vòng vài tuần sau chuyến viếng thăm của Catarina, Đức Giáo hoàng đã thu xếp mọi sự và quay trở lại Rôma.”
Tiến sĩ Karen Scott, Phó Giáo sư nghiên cứu về Công giáo và lịch sử tại Đại học DePaul ở Chicago cho biết: “Catarina là một ví dụ tuyệt vời của một nữ giáo dân có niềm tin mạnh mẽ về Giáo hội và không rụt rè khi diễn đạt niềm tin ấy” Tiến sĩ Scott cũng nói với CNA rằng: “Đó là một tình huống rất khác so với hôm nay, vì vậy sẽ là một sai lầm khi tự động nghĩ rằng nó tương tự như nhau đối với các vấn đề của Giáo hội hiện tại. Thánh Catarina đã sống trong một thời đại cách đâu rất lâu rồi, khi mà Giáo hội sống trong thời điểm và hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Tuy nhiên, thánh Catarina đã nhận thức được tất cả các vấn đề của giáo sĩ và tin rằng họ cần được hoán đổi.”
Truyền thuyết về người phụ nữ có quan điểm
Tiến sĩ Scott cho rằng, điều xuất sắc của Catarina trong việc trao đổi thư tín với Đức Giáo hoàng và các giáo sĩ khác là khả năng cân bằng những phê bình nhẹ nhàng của bà với sự kính trọng sâu sắc đối với Giáo hội và Đức Giáo hoàng. Ông nói : “Có một sự cân bằng tuyệt vời giữa suy nghĩ rõ ràng và khả năng nhìn thấy những khiếm khuyết… nhưng đồng thời tôn trọng Giáo hội và Đức Giáo hoàng một cách tuyệt đối và căn cứ tất cả những điều này vào đời sống tâm linh sâu sắc của bà ấy, một cuộc đời với lời cầu nguyện say đắm. Bà ấy là một phụ nữ có quan điểm mạnh mẽ và có tầm nhìn về các vấn đề của Giáo hội. Đồng thời, bà đã hành động, và đáng ngạc nhiên là họ chú ý.”
Sự ngạc nhiên mà theo Tiến sĩ Scott nhận định, bởi vì bà ấy là một người phụ nữ không học thức cao, xuất thân từ một gia đình khiêm tốn, những người vô danh: “Họ lắng nghe Catarina bởi vì những gì bà ấy nói rất rõ ràng, chân thành, và đến từ lời cầu nguyện, suy niệm Phúc âm”
Tổng cộng, Catarina đã viết ít nhất 381 bức thư trong cuộc đời cô. Ba năm trước khi cô qua đời, cô cũng bắt đầu đọc để ghi lại “Il Libro” (“Sách”), một bộ sưu tập các bài dạy của bà về tâm linh và những cuộc trò chuyện với Thiên Chúa, được biết đến là “Đối thoại”.
Một phần quan trọng trong cuốn “Đối thoại” của bà, từ các chương 110-134, cho thấy những suy nghĩ của bà về những cải cách của Giáo hội cần thiết vào thời điểm đó. Catarina nói rằng “Cha Vĩnh Cửu” (bà thường xuyên nói đến Chúa Cha) đã nói với bà rằng vấn đề lớn nhất đối với các linh mục triều trong thời của bà là tiền bạc, trong khi vấn đề lớn nhất mà các linh mục dòng phải đối diện đó là đồng tính luyến ái
Lm. McDermott nó, những lời phê bình thẳng thắn của Catarina được coi là không tế nhị nên cuốn sách của bà đã bị loại ra khỏi nhiều bản dịch tiếng Anh. Ngài chia sẻ: “Bà ấy đã viết điều này vào những năm 1300. Thánh Catarina tin rằng điều này cô đã được linh ứng từ Cha Vĩnh Cửu, và bà luôn là người nói trực tiếp, không giữ lại bất cứ điều gì”.
Cho dẫu trong các cuộc đối thoại, Catarina luôn nêu những phê phán gay gắt đến hàng giáo sĩ, nhưng bà vẫn luôn nhắc nhở mọi người nên tôn trọng các giáo sĩ, vì họ là “Chúa Kitô” trên thế gian, họ mang Chúa Giêsu đến với thế giới qua Thánh Thể. Trong cuốn “Đối thoại”, Catarina nhắc lại lời của Cha Hằng Sống: “Vì vậy, các ngươi nên yêu mến họ (các linh mục) bởi lý do của đức hạnh và phẩm giá của Bí Tích, và vì lý do đó, bởi sự rất đức hạnh và phẩm giá, các ngươi nên ghét những thiếu sót của những người đang sống đau khổ trong tội lỗi. Nhưng không phải vì điều đó mà ngươi tự cho mình trở thành các thẩm phán, điều mà Ta không cho phép ngươi, bởi vì họ là những Chúa Kitô của Ta, và ngươi nên yêu thương và kính trọng thẩm quyền mà Ta đã ban cho họ.”
Trong khi Catarina đã thành công trong việc đưa Đức Giáo hoàng trở về Rôma và trung gian tạo nên hòa bình giữa Florence và Tòa Thánh, thì thời kỳ được gọi là Đại Ly giáo (Great Schism), hoặc Ly giáo phương Tây (Western Schism), đã bắt đầu chỉ hai năm trước khi bà qua đời.
Lm. McDermott nói : “Không trong sáng đủ để nhận ra ai là giáo hoàng thực sự, ngay cả một số thánh nhân hiện đã được phong thánh, thời điểm đó cũng đã đứng về phía đối lập với các người yêu sách. Vì vậy, thời điểm đó tưởng như thế giới kết thúc.”
Tiến sỹ Karen Scott chia sẻ : “Thánh Catarina đã hoàn toàn lo sợ, bởi vì đối với bà, sự hiệp nhất của Giáo hội thực sự cần thiết.”
Trong thời gian này, các Hồng y người Pháp đã bầu một vị lãnh đạo như là Giáo hoàng. Sau đó, Hội đồng Pisa cũng đã bầu một người trong nhóm yêu sách. Thánh Catarina đứng về phía một người trong nhóm này đang cư ngụ tại Rôma, đó là Urban VI (Giáo hoàng). Catarina đã chuyển đến Rôma trong vài năm cuối đời của mình để bênh vực cho ông và dâng lời cầu nguyện liên lỉ và cho sự sám hối của Giáo hội.
Khi bà qua đời vào năm 1380 – hậu quả bệnh tật từ hình thức tự đánh tội cực đoan của bà mang lại, Giáo hội phương Tây vẫn còn trong thời kỳ ly giáo, và vẫn tiếp tục như vậy cho đến khi kết thúc Công đồng Constance vào năm 1418.
Giáo sư Pakalu nói : “Một số sử gia, tôi nghĩ rằng những người ít trung tín hơn, hoặc không có đức tin … sẽ nói Catarina thật sự thất bại, bởi vì mục tiêu của bà ấy là đưa Đức Giáo hoàng trở lại Rôma để nối lại các chia rẽ trong Giáo hội. Nhưng làm thế nào bà ấy có thể thành công nếu cuộc ly giáo lớn nhất của Giáo hội phương Tây xảy ra sau khi bà ấy chết? Tôi không biết quan điểm đó có đúng không. Chúng ta không bao giờ biết giả thuyết về lịch sử, chúng ta không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra nếu không có ảnh hưởng của Catarina, và ít nhất bà ấy cũng mang Đức Giáo hoàng trở về Rôma trước khi chết và điều đó khá quan trọng. Tôi đoán là Giáo hội đã có thể tồn tại qua cuộc Đại Ly giáo, vì Catarina đã có những dữ liệu nhất định trước khi qua đời.”
Những bài học của tThánh Catarina cho người Công giáo ngày nay
Tiến sĩ Scott chia sẻ : “Nếu sống trong thời hiện tại, thánh Catarina sẽ nói gì? Tôi nghĩ đó là một câu hỏi mạo hiểm. Bởi vì chúng ta không thể nói bà ấy sẽ nghĩ như thế nào với các vấn đề hiện tại và những câu hỏi phức tạp, ngoại trừ việc bà ấy biết rõ lập trường đạo đức là gì và các giám mục, linh mục, cũng như tất cả tín hữu nên theo. Thánh Catarina sẽ đặt ra những tiêu chuẩn cao nhất về sự trung thực, toàn vẹn và mối quan tâm mục vụ cho người tín hữu, cũng như các tiêu chuẩn cao nhất “để tránh việc ly giáo và nên gần gũi với Đức Giáo hoàng. Ngoài ra, tôi nghĩ, thánh nhân sẽ khuyên mọi người hãy dành thời gian để cầu nguyện và nhận thức rõ vấn đề, để không có phản ứng tùy tiện trước mọi sự.”
Phần Giáo sư Pakaluk, bà nghĩ rằng có ba bài học được rút ra từ cuộc đời và mẫu gương của thánh Catarina. Điều đầu tiên là bất kỳ vai trò hoạt động nào trong chính trường của Giáo hội đều phải được bắt nguồn từ lời cầu nguyện và tình yêu sâu sắc đối với Giáo hội : “Tôi sẽ không nói đừng tham gia cho đến khi bạn thánh thiện như Catarina … nhưng để trở thành một người hoạt động, hoặc trưởng một ban mục vụ, mà không có lòng chân thành sâu sắc để cầu nguyện thì là điều hoàn toàn vô lý và sẽ không trung thành với cuộc sống, hoặc theo gương của thánh Catarina”.
Bài học thứ hai, theo Giáo sư Pakaluk, cần có cái nhìn rộng về lịch sử. Giáo hội đã vượt qua thời kỳ khó khăn và những vụ bê bối trước đó, và có thể chịu đựng những khủng hoảng này một lần nữa. Nói về những bê bối hiện tại, Pakaluk chia sẻ: “Tôi kinh hoàng và cảm thấy bị xúc phạm trước những gì tôi thấy và nghe. Nhưng cá nhân tôi không bị bối rối, bởi đức tin của tôi không bị thách thức, bởi vì tôi quá quen thuộc với các thời đại trong quá khứ của Giáo hội, đặc biệt và nhất là quá khứ mà thánh Catarina đã trải qua, trong đó có quá nhiều tham nhũng khiến nhiều tín hữu thất vọng, thiếu sự kính trọng đối với những vị lãnh đạo trong Giáo hội, cũng như hàng giáo sĩ. Vì vậy, những gì xảy ra đã không làm phiền tôi vì tôi nghĩ một cách thấu đáo, tại sao điều đó lại phải khác? Tại sao chúng ta nghĩ mình tốt hơn? Tại sao chúng ta nghĩ rằng mình hoàn toàn miễn nhiễm với một số điều đã xảy ra trong quá khứ? ”
Theo Giáo sư Pakaluk, điều thứ ba người Công Giáo có thể học hỏi từ thánh Catarina là mọi người có thể nên thánh, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất của Giáo hội. Giáo sự Pakaluk nó: “Thánh Catarina đang ở trên thiên đàng, bà đã hoàn thành sứ mạng, đã thực hiện sứ vụ đó. Chúng ta không chỉ nói ‘chúng tôi cũng có thể làm được điều đó’, nhưng xem thánh Catarina như là người chị của mình, có thể theo gương của thánh nhân và nài xin ngài cầu bầu cho chúng ta.”
Lm. McDermott nói rằng người Công giáo nên được khuyến khích học theo chứng từ của thánh Catarina. Bởi vì ngay cả khi viết rất nhiều về các vấn đề của Giáo hội, thánh Catarina chưa bao giờ nghĩ đến việc rời bỏ Giáo hội. Ngài nói : “Thánh Catarina có thể nói đừng rời khỏi Giáo hội, vì Giáo hội cũng là trần thế, cũng đầy tội lỗi đáng bị chê trách. Nhưng, vì lợi ích của Giáo hội, hãy ở lại và thanh tẩy nó. Tình yêu của chúng ta dành cho Chúa Kitô và Giáo hội – cả hai không thể tách rời – được thể hiện trong những thời điểm rất khó khăn, ngay cả khi chúng ta cảm thấy không tốt để trở thành một Kitô hữu, thì húng ta vẫn phải tiếp tục cùng tiến bước với Chúa Kitô và Giáo hội.”
(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết của Mary Rezac đăng trên CNA)