Các vị Giáo hoàng đã giải quyết cuộc chinh phạt châu Mỹ như thế nào

Đừng nên lạm dụng lòng thương xót của Chúa
Thời dịch bệnh Coronavirus: Xưng tội thế nào ?
Linh mục Chánh xứ có quyền gì?

Christopher Columbus

Tổng thống Mexico,  Andrés Manuel López Obrador, vào hạ tuần tháng 3/2019,  đã viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô và Quốc vương Tây Ban Nha, Felipe VI, yêu cầu một lời xin lỗi cho cuộc xâm chiếm Mexico, do những người Công giáo Tây Ban Nha vào thế kỷ 16.
Sự đòi hỏi phải xin lỗi của ông được đưa ra tại lễ kỷ niệm 500 năm cuộc xâm chiếm và kỷ niệm 200 năm ngày độc lập của Mexico.
Tổng thống López Obrador cho biết trong các bình luận video:  “Tôi đã gửi một lá thư cho nhà vua Tây Ban Nha [Felipe VI] và một bức thư khác cho Giáo hoàng để những sự ngược đãi có thể được thừa nhận và một lời xin lỗi có thể được gửi tới người dân bản địa vì những vi phạm mà chúng ta gọi là nhân quyền.  Có những vụ thảm sát … Cái gọi là cuộc chinh phạt được thực hiện bằng thanh kiếm và cây thánh giá. Họ đã xây dựng các nhà thờ trên đỉnh các ngôi đền”.
Ông nói thêm :  “Đã đến lúc phải hòa giải nhưng trước tiên họ nên yêu cầu được sự tha thứ.”
Sự yêu cầu này đã tạo ra sự chỉ trích, và một số thỏa thuận, ở cả Tây Ban Nha và Mexico.
Theo tờ New York Times, Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sánchez, đã bác bỏ yêu cầu này, cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Josep Borrell, người nói rằng “thật kỳ lạ khi nhận được yêu cầu xin lỗi về các sự kiện xảy ra cách đây 500 năm.
Sergio Sarmiento, một nhà báo người Mexico, đã hỏi tại sao Tổng thống lại kêu gọi một lời xin lỗi từ những người đang sống ở Tây Ban Nha, và họ không phải là một phần trong cuộc xâm chiếm của Tây Ban Nha. Những người khác chỉ trích yêu cầu của Tổng thống về  một lời xin lỗi cho hành động xảy ra cách đây 500 năm.
Một người  đã lên tiếng ủng hộ cho yêu cầu này là Ione Belarra, một chính trị gia của đảng khuynh tả Podemos Tây Ban Nha. Ioane Belarra đã nói trên Twitter rằng đó là một điều “rất đúng” để yêu cầu một lời xin lỗi vì một cuộc xâm lăng.
Năm 1519, nhà mạo hiểm Tây Ban Nha Hernán Cortés lãnh đạo một đội quân nhỏ tiến vào đế chế Aztec ở Mexico, và trong vòng hai năm, người Aztec đã nằm dưới sự cai trị của châu Âu. Cuộc xâm chiếm đã dẫn đến một sự mất mát lớn về sinh mạng của các dân tộc bản địa Mexico, cả trong trận chiến và trong việc gieo các bệnh ngoại lai, như bệnh đậu mùa.
Vào thời điểm Cortés đến Mexico, người Aztec có tập tục giết trẻ em để tế thần, đồng thời cũng có một nghi thức trong đó họ rạch ngực và móc trái tim đang đập ra khỏi lồng ngực của các nạn nhân hiến tế và dâng nó cho các vị thần, để cho máu tràn ra các bàn thờ rồi ném xác chết ra khỏi các bậc của ngôi đền.
Các tháp và các cấu trúc khác được tìm thấy trong đế chế Aztec cũng được làm hoàn toàn bằng sọ người, và các nhà nhân chủng học cũng đã tìm thấy bằng chứng về một loại nghi lễ ăn thịt người diễn ra giữa những người Aztec.
Năm 1892, Đức Giáo hoàng Leo XIII đưa ra lời biện hộ cho cuộc xâm chiếm châu Mỹ, phần lớn nằm trong tay các Kitô hữu. ĐGH Leo XIII cho biết, trong trường hợp người thổ dân châu Mỹ,  Christopher Columbus (Kha Luân Bố), “nhìn thấy trong tinh thần hùng mạnh của người dân, bị che giấu trong bóng tối khốn khổ của tà giáo, được trao cho các nghi lễ tà ma và sự thờ phượng mê tín của các vị thần hão huyền. Khốn khổ là họ phải sống trong tình trạng man rợ và với cách cư xử dã man: nhưng khốn nạn hơn nữa là họ thiếu kiến ​​thức về những điều tốt lành, và sống một cách ngu muội và không biết về một Thiên Chúa chân chính. Do đó, xem xét những điều này, trong suy nghĩ của mình, trước tiên, ông đã tìm cách mở rộng danh thánh Kitô giáo và lợi ích của việc từ thiện của Kitô giáo đến với phương Tây.”
Cuộc chinh phục châu Mỹ cũng đã được thánh Gioan Phaolô II và ĐTC Phanxicô đề cập đến gần đây.
Trong một bài phát biểu trước người thổ dân trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 1987, thánh Gioan Phaolô II đã thừa nhận nỗi đau gây ra bởi cuộc đụng độ của người châu Âu với người thổ dân châu Mỹ. Ngài nói : “Đó là một sự kiện có ý nghĩa và thay đổi đến mức ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống tập thể của bạn ngay cả đến ngày hôm nay. Cuộc đụng độ đó là một thực tế khắc nghiệt và đau đớn cho các dân tộc của bạn. Sự áp bức về văn hóa, sự bất công, sự gián đoạn của cuộc sống và xã hội truyền thống của bạn, những điều này phải được thừa nhận.”
Tuy nhiên, ngài cũng bảo vệ những khía cạnh tích cực trong công việc của những nhà truyền giáo, “những người truyền giáo đã bảo vệ quyền lợi của những cư dân nguyên thủy trên vùng đất này,” người đã thiết lập sứ mệnh truyền giáo và cải thiện các tiêu chuẩn giáo dục trong khi cố gắng để bảo tồn ngôn ngữ bản địa.
Ngài nói : “Trên tất cả, họ công bố Tin mừng về ơn Cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô của chúng ta, một phần thiết yếu là tất cả mọi người đều là con cái của Chúa, đều phải được tôn trọng và yêu thương như nhau. Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô là ngày hôm nay, và sẽ tồn tại mãi mãi, đó là niềm tự hào và tài sản lớn nhất của dân tộc bạn.”
Ngài nhớ lại một ví dụ về thánh Junipero Serra, người đã trao cho chính quyền Mexico một bản “Tuyên ngôn về nhân quyền” (Bill of Rights) của người bản địa. Ngài cũng nhớ lại vào năm 1537, ĐGH Phaolô III, “tuyên bố  về phẩm giá và quyền lợi của người dân bản địa châu Mỹ bằng cách khẳng định rằng họ không bị tước đoạt tự do hoặc chiếm hữu tài sản của họ.”
Vào năm 2015, ĐTC Phanxicô cũng đã đề cập đến cuộc xâm chiếm châu Mỹ, trong một cuộc họp với người dân bản địa ở Bolivia.
Ngài lặp lại cảm nghĩ của thánh Gioan Phaolô II là xin sự tha thứ cho lỗi lầm của một số Kitô hữu vào thời điểm đó, trong khi đồng thời bảo vệ hành động của các Kitô hữu khác vào thời điểm đó, người đã chọn hòa bình thay vì bạo lực. Ngài nói : Tôi nói điều này với bạn trong sự tiếc nuối: nhiều lỗi lầm nghiêm trọng đã gây ra đối với người dân bản địa của châu Mỹ để nhân danh Thiên Chúa. Những người tiền nhiệm của tôi đã thừa nhận điều này, CELAM, Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh, đã nói điều đó, và tôi cũng muốn nói điều đó. Cũng giống như thánh Gioan Phaolô II, tôi yêu cầu Giáo hội – tôi nhắc lại những gì ngài đã nói trong một thuyết trình vào năm 2000:  ‘Hỡi con cái của giáo hội hãy quỳ xuống trước mặt Thiên Chúa và cầu xin sự tha thứ cho những lỗi lầm trong quá khứ và hiện tại.’ Tôi cũng sẽ nói, và ở đây tôi muốn nói rất rõ rằng, cũng như Thánh Gioan Phaolô II: Tôi khiêm tốn cầu xin sự tha thứ, không chỉ vì những vi phạm của chính Giáo hội, mà còn vì những tội đối với người bản xứ trong thời gian – gọi là chinh phục châu Mỹ. Cùng với yêu cầu sự tha thứ này và để trở nên công bằng, tôi cũng muốn chúng ta nhớ đến hàng ngàn linh mục và giám mục đã phản đối mạnh mẽ lý thuyết của đao kiếm với sức mạnh của Thập giá. Đã có lỗi lầm, rất nhiều về nó, mà chúng ta đã không xin ân xá. Vì vậy, đối với điều này, chúng ta yêu cầu sự tha thứ, tôi yêu cầu sự tha thứ. Nhưng ở đây cũng thế, nơi tội lỗi đã gây ra, tội lỗi rất lớn, (ý nói những trẻ em vô tội bị giết để tế thần – chú thích của người dịch) thì ân sủng đã đầy tràn qua những người đàn ông và phụ nữ đã bảo vệ quyền của người bản địa.”
Vatican vẫn chưa chính thức trả lời về yêu cầu gần đây của López Obrador về lời xin lỗi cho cuộc xâm chiếm Mexico.

(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết đăng trên CNA)