Kho báu thật của cuộc sống: Thiên Chúa và người thân cận của chúng ta

Người phụ nữ hiến thận cho chồng cũ vì lợi ích của con cái
Sau khi Netflix phát hành phim “13 Reasons Why”, số nam thanh niên tự tử tăng vọt gần 30%
Thời dịch bệnh Coronavirus: Xưng tội thế nào ?

Ảnh: Vatican Media

Đó là một trong những điều Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ với người Công giáo, nhân ngày Thế giới Người nghèo lần thứ II, vào ngày 18/11/2018.
Bài giảng trong thánh lễ nhân ngày Thế giới Người nghèo lần thứ II, được cử hành tại Đền thờ Thánh Phêrô, Roma,  ĐTC Phanxicô đã nhắc đến ba điều Đức Giêsu đã làm, qua đoạn Phúc âm hôm ấy.
Điều thứ nhất: “Trong khi trời vẫn còn sáng, Người bỏ đi”. Người rời khỏi đám đông lúc đang ở đỉnh điểm của sự thành công, đang được ca tụng vì phép lạ hóa bánh ra nhiều. Mặc dù các môn đệ vẫn còn muốn vui hưởng vinh quang, nhưng Người bảo các ông đi trước, trong lúc Người giải tán đám đông (x. Mt 14: 22-23). Dân chúng tìm kiếm Người, nhưng Người tự tránh khỏi nơi ấy. Khi sự náo động của đám đông đang dần lắng xuống, thì Người đi lên núi để cầu nguyện. Sau đó, trong tĩnh mịch của đêm khuya, Người xuống núi và đến với các môn đệ và đã đi trên mặt nước đang bị xô giạt giữa những cơn gió lớn. Trong tất cả những điều này, Chúa Giêsu đã làm những điều trái ngược với tự nhiên: đầu tiên, ngài để lại thành công sau lưng, và sau đó bỏ lại sự yên bình. Ngài dạy chúng ta lòng can đảm để biết ra đi: biết bỏ lại sau lưng sự thành công đang làm vui rộn con tim và sự thanh bình đang làm tâm hồn êm ái.
Đi đâu? Đi đến với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện, và đến với những ai đang cần tình yêu thương. Những kho báu thực sự trong cuộc sống là Thiên Chúa và những người xung quanh chúng ta. Và đây là con đường Chúa Giêsu nói chúng ta hãy chọn: hãy tiến lên để đến với Thiên Chúa và hạ mình xuống để đến với anh chị em của chúng ta. Ngài kéo chúng ta ra khỏi cảnh thư thái an bình của cuộc sống, khỏi một cuộc sống an nhàn giữa những thú vui hàng ngày. Các môn đệ của Người không nhắm đến sự thanh nhàn vô tư của một cuộc sống bình thường. Giống như Chúa Giêsu, họ phải sống đây đó trên đường, du hành với chút ít hành lý, sẵn sàng bỏ lại sau lưng những vinh quang, biết thận trọng để không luyến tiếc đến của phù du. Người Kitô hữu biết rằng quê hương của họ không phải nơi này, và thậm chí ngay bây giờ – như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta trong bài đọc hai – họ là “người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người của Thiên Chúa” (x Êphêsô 2:19), cho dù họ đã từng là những người tứ phương thiên hạ.  Chúng ta không sống để tích lũy; vinh quang của chúng ta là biết bỏ lại sau lưng những gì sẽ qua đi để giữ lấy những gì sẽ tồn tại. Chúng ta hãy cầu xin Chúa làm cho chúng ta nên giống như Hội thánh đã được mô tả trong bài đọc thứ nhất: đó là luôn luôn hoạt động, sẵn sàng từ bỏ và luôn trung tín trong việc phục vụ (Cv 28: 11-14). Lạy Chúa, xin hãy thức tỉnh chúng con khỏi sự biếng nhác, khỏi sự yên tĩnh lặng lẽ an phận. Xin giải thoát chúng con khỏi những lôi cuốn của những đam mê đang dìm cuộc sống chúng con xuống; xin giải thoát chúng con khỏi những quyến rũ tìm kiếm thành công không ngừng nghỉ. Xin hãy dạy chúng con biết cách “ra đi” để từ đó chúng con nhận biết được con đường Chúa đã chỉ cho chúng con đó là đến với Chúa và đến với người xung quanh chúng con.
Điều thứ hai: giữa đêm tối, Chúa Giêsu đã trấn an. Ngài đến với các môn đệ của mình, trong đêm tối, “bước đi trên biển” (câu 25). “Biển” trong trường hợp này thực sự chỉ là một hồ nước lớn, nhưng ý tưởng về “biển”, với độ sâu tăm tối của nó, gợi lên các quyền lực của ma quỷ. Chúa Giêsu, trên thực tế, đang đến gặp các môn đệ của mình bằng cách đạp lên những kẻ thù độc ác của loài người. Và đây là ý nghĩa của dấu chỉ này: đó không phải là một sự biểu dương sức mạnh chiến thắng, nhưng là một mặc khải về sự chắc chắn rằng Chúa Giêsu, và chỉ có Chúa Giêsu mới chiến thắng được những kẻ thù lớn nhất của chúng ta là ma quỷ, tội lỗi, sự chết và phu du của thế gian. Hôm nay, Ngài phán cùng chúng ta: “Vững tâm, Thầy đây mà; đừng sợ” (câu 27).
Cuộc sống của chúng ta như những con thuyền thường bị bão táp phong ba vùi dập. Ngay cả giữa lúc sóng yên bể lặng, nhưng cũng nhanh chóng bị chồng chềnh. Khi chúng ta bị cuốn vào những cơn bão đó, dường như chúng là khó khăn duy nhất của chúng ta. Nhưng vấn đề không phải là cơn bão tạm thời này, mà là cách chúng ta đang chèo lái trong cuộc sống. Bí quyết chèo lái tốt nhất là mời Chúa Giêsu cùng lên thuyền với chúng ta. Tay lái của cuộc sống phải được giao phó cho Người, để Người có thể lèo lái chúng ta. Chỉ một mình Người mới có thể trao ban sự sống trong sự chết, và mang lại hy vọng trong khổ đau; Chỉ một mình Người mới có thể chữa lành tâm hồn của chúng ta bằng sự tha thứ của Người và giải thoát chúng ta khỏi sự sợ hãi bằng cách đặt trong ta sự tự tin. Hôm nay, chúng ta hãy mời Chúa Giêsu lên con thuyền cuộc đời của chúng ta. Giống như các môn đệ khi xưa, chúng ta sẽ nhận ra rằng một khi Người lên thuyền thì gió sẽ lặng dần (câu 32) và không còn có chuyện đắm thuyền. Chỉ với Chúa Giêsu chúng ta mới có khả năng đưa ra sự bảo đảm. Chúng ta cần biết là ngần nào những người có thể an ủi người khác không phải với những lời đầu môi, nhưng với những lời có sức sống. Nhân danh Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể đem lại niềm ủi an thực sự. Đó không phải là những lời khích lệ hão huyền, nhưng sự hiện diện của Chúa Giêsu mang lại sức mạnh. Lạy Chúa, xin hãy trấn an chúng con, khi được Chúa ủi an, chúng con sẽ mang lại niềm ủi an thực sự cho người khác.
Điều thứ ba: Ở giữa giông ba bão táp, Người giang tay ra (xem câu 31). Ngài nắm lấy tay Phêrô, là người đang trong nỗi sợ hãi và nghi ngờ của mình, đang chìm xuống, và kêu lên: “Lạy Chúa, xin cứu con!” (Câu 30). Chúng ta có thể đặt mình vào vị trí của Phêrô: chúng ta là những người thiếu đức tin, đang nài van ơn cứu độ. Chúng ta đang mong muốn cuộc sống thực và chúng ta đang cần đến bàn tay rộng mở của Chúa để kéo chúng ta ra khỏi chước ma quỷ. Đây là sự khởi đầu của đức tin: đó là loại bỏ niềm tự hào làm cho chúng ta cảm thấy tự mãn, để chúng ta có thể nhận ra rằng chúng ta đang cần ơn cứu độ. Đức tin phát triển trong bầu khí này, trong đó chúng ta thích ứng bằng cách chọn cho mình một vị trí bên cạnh những người không đặt mình trên bệ cao nhưng là những người thiếu thốn và đang kêu cầu được giúp đỡ. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là tất cả chúng ta phải sống đức tin của mình để hòa mình với những người khó nghèo. Đây không phải là một lựa chọn xã hội; một đường lối của một giáo hoàng nhưng là đòi hỏi của tín lý. Nó đòi hỏi phải thừa nhận rằng chúng ta là những người ăn mày cầu xin ơn cứu độ, là anh chị em của tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là anh chị em của những người nghèo mà Chúa yêu mến. Như thế, chúng ta mới đi theo đúng tinh thần của Phúc âm. “Tinh thần khó nghèo và yêu mến, theo Công Đồng, thực ra là vinh quang và chứng tá của Giáo hội Chúa Kitô(Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 88).
Chúa Giêsu đã nghe tiếng khóc của Phêrô. Chúng ta hãy cầu xin ơn biết lắng nghe tiếng kêu của tất cả những người bị vùi giập bởi những con sóng của cuộc đời. Đó là tiếng kêu của người nghèo, đó là tiếng kêu bị bóp nghẹt của đứa trẻ chưa chào đời, của những đứa trẻ chết đói, của những người trẻ bị sử dụng để gài bom hơn là tiếng hò la vui vẻ trong sân chơi. Đó là tiếng kêu của người già, bị lãng quên và bỏ rơi một mình. Đó là tiếng kêu của tất cả những người phải đối mặt với những cơn bão của cuộc sống mà không có sự hiện diện của một người bạn. Đó là tiếng kêu của tất cả những người bị buộc phải chạy trốn khỏi quê hương của mình với một tương lai không biết đi về đâu. Đó là tiếng kêu của toàn bộ một dân tộc, bị tước đoạt ngay cả những nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ. Đó là tiếng kêu của những Lagiarô, những người đang khóc trong khi một thiểu số giàu có đang vui chơi những thứ, mà đáng lý ra thuộc về tất cả mọi người. Bất công là gốc rễ sai lầm của nghèo đói. Tiếng kêu của người nghèo đói hàng ngày trở nên lớn hơn nhưng chẳng ai nghe, vì bị chìm đắm giữa những inh ỏi của một thiểu số những kẻ giàu có. Những người sung túc ngày càng ít đi, nhưng những kẻ giàu thì càng giàu có hơn.
Khi đối diện với sự khinh miệt phẩm giá con người, chúng ta thường vẫn khoanh tay đứng nhìn hoặc xuôi tay như một cử chỉ thất vọng trước sức mạnh ác nghiệt của tà ác. Tuy nhiên, các Kitô hữu chúng ta không thể khoanh tay thờ ơ đứng nhìn, hoặc xuôi tay trong bất lực. Không. Là các tín hữu, chúng ta phải mở rộng đôi tay ra, như Chúa Giêsu đã làm với chúng ta. Tiếng kêu của người nghèo được Chúa lắng nghe, nhưng liệu tiếng kêu ấy có được chúng ta đáp lại không? Hỏi rằng chúng ta có mắt để nhìn, có tai để nghe, có đôi tay để mở rộng giúp đỡ không? Hay chúng ta cứ nói rằng “Ngày mai hãy đến”?  “Chính Chúa Kitô đang mời gọi lòng bác ái của các môn đệ của Người nơi những người nghèo” (Hiến chế Vui mừng và Hy Vọng). Người kêu gọi chúng ta biết nhận ra Người nơi tất cả những người đói khát, nơi những người xa lạ và nơi những ai bị tước đoạt phẩm giá, nơi những bệnh nhân và nơi những người trong lao tù (x. Mt 25: 35-36).
Chúa Giêsu mở rộng vòng tay của Người, một cách tự nguyện không đòi hỏi. Và vì vậy, chúng ta cũng phải làm như thế. Chúng ta không được mời gọi để chỉ tốt với những ai yêu thích chúng ta. Điều đó là bình thường, nhưng Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải làm nhiều hơn thế nữa (x. Mt 5:46): hãy giúp cho những ai không có gì để đáp trả, hãy yêu thương một cách vô vị lợi (x. Lc 6: 32-36). Chúng ta hãy nhìn lại cuộc sống của chính mình. Tất cả những gì chúng ta làm, liệu chúng ta có bao giờ làm hoàn toàn tự nguyên, làm những gì cho một người nào đó không có khả năng đáp trả hay không? Đó sẽ là bàn tay rộng mở của chúng ta, là kho báu đích thật của chúng ta trên Nước Trời.
Lạy Chúa, xin rộng mở cánh tay Chúa và hãy nắm lấy chúng con. Xin giúp chúng con biết yêu tha nhân như Chúa yêu. Xin hãy dạy chúng con biết bỏ lại sau lưng tất cả những gì là phù du, là nơi ủi an cho những người xung quanh chúng con, và biết cho đi một cách không tính toán cho tất cả những ai đang gặp khó khăn. Amen.

(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết đăng trên Zenit)