“Syria là một nơi thảm sát mới những người vô tội”

ĐTC Phanxicô: Nên có thêm phụ nữ trong giới lãnh đạo của Giáo hội
Thánh Lễ không thể mua được – cứu chuộc là vô giá
Giáo hội cần minh bạch và cập nhật

ĐHY Mario Zenari

Đức Hồng Y Mario Zenari, sứ thần Tòa thánh ở Syria đã nói như thế khi số nạn nhân dân sự trong cuộc nội chiến đẫm máu của Syria vẫn tiếp tục leo thang. Ngài nói: Tình hình ở Syria bây giờ là “địa ngục trên trái đất”,  là “một trong những nơi nguy hiểm nhất đối với trẻ em”, theo lời phát biểu của một Giám đốc  khu vực của Quỹ Nhi Đồng Liên hợp quốc (UNICEF)
ĐHY Zenari chia sẻ:
“Thật là kinh khủng. Tôi luôn nói rằng đó là một cuộc tàn sát người vô tội “. Ngài nhớ lại cách đây vài năm gần Damascus, nơi đặt Sứ thần Tòa Thánh, ngài gặp một cô gái 10 tuổi mà hai chân đã bị cắt bỏ vì những miểng đạn súng đại bác.
Ngài nhớ lại một câu chuyện khác về một cô gái 15 tuổi đang trên đường trở về nhà từ trường học với một người bạn khi một miểng đạn từ một vụ pháo kích đã xuyên qua má và xuyên qua đầu cô, giết cô ngay lập tức.
Ngài nói: Có rất nhiều đau khổ! Thông điệp Giáng sinh năm 2017 của Đức Thánh Cha là một trong những điều gây xúc động nhất đối với tôi, vì nó đã hoàn toàn dành cho những trẻ em đau khổ. Theo quan điểm nhân đạo, tình hình bây giờ “không còn kiểm soát được nữa”, chỉ riêng một cuộc khủng hoảng ở Syria thôi, người ta đã có thể viết thành “một cuốn sách về những rên siết”.
ĐHY Zenari – người đã phục vụ với tư cách là một Sứ thần từ năm 2008 và đã được ĐTC Phanxicô tấn phong Hồng Y vào năm 2016, đã chia sẻ những điều này khi phát biểu trong một sự kiện vào ngày 9/3/2018 – dự án “Bệnh viện mở” được thành hình.   Dự án “Bệnh viện mở” do tổ chức AVSI bắt đầu vào năm 2016 cùng với Quỹ Gemelli  Hội đồng Tòa Thánh Đồng Tâm (Cor Unum). Mục đích của dự án là cung cấp chăm sóc y tế cho những người sống trong nghèo đói và hỗ trợ các hoạt động của bốn bệnh viện phi lợi nhuận ở Syria.

Trẻ em là những nạn nhân đau khổ nhất

Kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011, hơn 13,5 triệu người Syria, trong đó có 6 triệu trẻ em, đã bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nhân phẩm, phần lớn dân số sống trong những cảnh thiếu thốn lương thực và không có cả những đồ dùng cần thiết tối thiểu.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, khoảng 11,5 triệu người, trong đó 40% là trẻ em, không được chăm sóc y tế đầy đủ. Các bệnh viện thường bị là mục tiêu trong cuộc chiến, và kể từ khởi đầu chiến tranh đến nay, gần hai phần ba số nhân viên y tế Syria đã phải trốn khỏi đất nước.
Với số tiền cần thiết để trả cho nhân viên, quản lý chung, hóa đơn hàng tháng, và tân trang các cơ sở cũ, bệnh nhân ngày càng tập trung vào một vài bệnh viện còn lại với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ định kỳ và thương tích chiến tranh, làm cho ngân sách tài chính đang trong tình trạng căng thẳng gần như khánh kiệt.

Những trợ giúp nhân đạo không thấm vào đâu so với nhu cầu của người dân

Vào tháng 11 năm 2017, khoảng một triệu euro (gần 1,2 triệu đô la) đã được quyên góp bởi dự án “Bệnh viện mở” để hỗ trợ cho bốn bệnh viện mà họ đang hợp tác.
Tại sự kiện ngày 9/3/2018, trong khi phát biểu, ĐHY Zenari đã cho chiếu một đoạn phim dài hai phút với hình ảnh những ngôi nhà bị tàn phá bởi bom đạn và những người bị thương trong các vụ đánh bom, trong đó có rất nhiều trẻ em mặt mũi đẫm máu và bụi bặm.
Ngài nói rằng: “Cơ cấu xã hội của đất nước này đang bị “tấn công”. Những vết thương hằn sâu, nhất là ở những đứa trẻ ngây thơ này, thật ra còn tệ hơn những gì chúng ta nhìn thấy”.
Số lượng nạn nhân dân sự của chiến tranh đã tăng vọt trong những tuần gần đây, sau khi lực lượng Syria được yểm trợ bởi Nga  vào ngày 18/2/2018 đã phát động một loạt các cuộc không kích và bắn pháo binh chung quanh thành phố Ghouta bị bao vây ở Đông Bắc Damascus. Đây là nơi trú ẩn cho khoảng 400.000 người. Đông Bắc Ghouta là khu vực cuối cùng của quân kháng chiến ở phía Đông của Damascus và là mục tiêu của các lực lượng của Tổng thống Syria, Bashar al-Assad từ năm 2013 nhằm mục đích  đánh đuổi trục xuất phe quân kháng chiến.
Theo nhóm Quan sát Syria về nhân quyền, khoảng 900 thường dân đã chết trong cuộc chiến này. Mặc dù Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu ngưng chiến kéo dài 30 ngày có hiệu lực vào ngày 24/2/2018, nhưng các cuộc chiến vẫn tiếp diễn, và các nỗ lực viện trợ nhân đạo vào những khu vực mà người dân bị mắc kẹt gần đây đã bị ngưng vì lo sợ có thể có các cuộc tấn công bằng hóa học.
ĐHY Zenari nói rằng trong tất cả các thảm họa trên thế giới mà ngài đã chứng kiến, cũng như so sánh tình hình với nạn diệt chủng ở Rwanda năm 1994:  “Tôi chưa bao giờ thấy quá nhiều bạo lực như ở Syria”.
ĐHY Zenari nói rằng có lúc ngài đã tự hỏi: “Chúa có nhìn thấy điều này không?” Tuy nhiên,  ngài được an ủi khi ngài nghĩ về sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu, bởi vì “Chúa Giêsu trong cuộc thương khó Ngài đã đổ mồ hôi máu, … máu của toàn thể Giáo hội, máu của các vị tử đạo.”
Ngài nói thêm: “Chúng tôi đang ở trong năm thứ tám của cuộc Thương khó ở Syria
Ngài than phiền rằng vẫn chưa có một thỏa thuận nào để chấm dứt bạo lực. Có thể nói rằng cho đến nay, các cuộc thương thuyết vẫn chưa đạt được thỏa thuận, hoặc một thỏa thuận được thực hiện nhưng đã thất bại.
ĐHY cũng chỉ ra hàng triệu người đã trốn khỏi Syria và hiện đang sống ở các nước khác, trong đó có một số lớn các bạn trẻ. Ngài nói : “Do đó Syria đang nhanh chóng trở thành một xã hội không có người trẻ, một Giáo hội không có giới trẻ.”
ĐHY Zenari đã kết thúc buổi thuyết trình kéo dài một giờ bằng một lời kêu gọi cầu nguyện, nhờ những người tham dự cầu nguyện cho “những người bạn thân mến, anh chị em của chúng ta ở Syria.”

(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết của Elise Harris trên CNA)