Trung Quốc nợ một lời xin lỗi và bồi thường cho đại dịch coronavirus

“Thiên Chúa bây giờ đang ở đâu?” Trí tưởng tượng có thể tăng thêm đức tin của chúng ta trong thời gian dịch bệnh
Sự toàn thiện được tìm thấy trong những hành động bác ái nhỏ bé
Các giám mục Seattle đang ‘xem xét’ lại việc chúc phúc lành cho người ủng hộ chết vì trợ tử

Đức Hồng Y Muang Bo

Đó là một trong những điều mà Đức Hồng Y Muang Bo, tại Miến Điện, đã chia sẻ trong một bài viết đăng trên UCA News. Ngài nói, các nước nghèo đang bị dịch coronavirus hoành hành vì sự bất cẩn và đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong một bình luận (op-ed) trên UCA News, số xuất bản ngày 2/4/2020, Đức Hồng Y Muang Bo, Tổng Giám mục giáo phận Yangon, đã viết:  “Chế độ cộng sản Trung Quốc do Tập Cận Bình và ĐCSTQ quyền lực lãnh đạo – chứ không phải người dân của Trung Quốc – nợ tất cả chúng ta một lời xin lỗi và bồi thường cho sự hủy diệt mà nó đã gây ra.”
Hôm thứ Năm, 2/4/2020, Đức Hồng Y Bo, người đứng đầu Liên đoàn các Giám mục châu Á, đã tố cáo chế độ Trung Quốc vì đã giấu kín thông tin về dịch coronavirus và trừng phạt các bác sĩ và nhà báo cố gắng cảnh báo thế giới về mối nguy hiểm tiềm tàng của virus.
Ngài nói :
“Trung Quốc là một quốc gia  có nền văn minh cổ đại và vĩ đại đã đóng góp rất nhiều cho thế giới trong suốt lịch sử, nhưng chế độ này phải chịu trách nhiệm, thông qua một tội tày trời của mình là ém nhẹm và đàn áp, vì cơn đại dịch đang tràn lan trên khắp mọi nẻo đường phố của chúng ta ngày hôm nay. Để tôi nói rõ một lần nữa – đó là đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm, chứ không phải người dân Trung Quốc, và đừng ai phản ứng với cuộc khủng hoảng này với lòng căm thù chủng tộc đối với người dân Trung Quốc. Thật vậy, người dân Trung Quốc là nạn nhân đầu tiên của loại virus này và từ lâu đã là nạn nhân chính của chế độ đàn áp. Họ xứng đáng được cảm thông, đoàn kết và hỗ trợ của chúng ta. Nhưng chính sự đàn áp, dối trá và tham nhũng của ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm.”
Đức Hồng y đã trích dẫn nhiều ví dụ về những người tố giác đã bị buộc phải giữ im lặng bởi chế độ kiểm soát của ĐCSTQ: “Các bác sĩ cố gắng lên tiếng cảnh báo – chẳng hạn như bác sĩ Li Wenliang ở bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, người đã đưa ra cảnh báo cho các bác sĩ y khoa vào ngày 30/12/2019 – đã bị cảnh sát ra lệnh ‘ngừng bình luận sai.’ Bác sĩ Li, 34 tuổi – bác sĩ nhãn khoa, được cho biết ông sẽ bị điều tra vì ‘tuyên truyền tin đồn’ và bị cảnh sát ép buộc phải ký vào một lời thú tội. Sau đó, ông qua đời sau khi nhiễm coronavirus.”
Chính quyền Trung Quốc đã bị chỉ trích vì đã giấu những thông tin coronavirus từ cộng đồng quốc tế. Vào ngày 1/4/2020, Bloomberg  báo cáo rằng tình báo Hoa Kỳ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã báo cáo không đúng về số trường hợp nhiễm và tử vong từ coronavirus.
Đức Hồng y nói rằng Trung Quốc che giấu thông tin ngay cả đối với chính người dân của họ và từ chối sự minh bạch với cộng đồng toàn cầu về việc tạo ra sự lây lan của coronavirus trên toàn thế giới, gây hậu quả tai hại cho người nghèo, đặc biệt là ở các nước Đông Nam Á láng giềng Trung Quốc.
Ngài chia sẻ:
“Ở đất nước của tôi, Miến điện (Myanmar), chúng tôi rất dễ bị tổn hại. Giáp biên giới Trung Quốc, nơi COVID-19 bắt đầu, chúng tôi là một quốc gia nghèo không có các nguồn lực chăm sóc y tế và xã hội mà các quốc gia phát triển khác đang có. Hàng trăm ngàn người ở Myanmar phải di dời do xung đột, sống trong các trại tập trung trong nước, hoặc ở biên giới của chúng tôi,  mà không có vệ sinh, thuốc men, hoặc chăm sóc đầy đủ. Trong các trại tị nạn quá đông như vậy, các biện pháp giữ khoảng cách xa mỗi người với nhau (social distancing) được nhiều quốc gia thực hiện thì không thể áp dụng được. Các hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các nước tiên tiến nhất trên thế giới đang quá tải, thì cứ tưởng tượng những nguy hiểm ở một quốc gia nghèo và xung đột như Myanmar sẽ như thế nào.”
Bác sĩ chuyên môn về bệnh truyền nhiễm và giáo sư Richard Malley của Đại học Y Harvard và Robert Malley, Chủ tịch của International Crisis Group (Tập đoàn Khủng hoảng Quốc tế)  đã cảnh báo về số người sẽ chết rất nhiều, khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp tăng vọt và các nước đang phát triển nghèo đói có thể phải đối mặt với đại dịch rất trầm trọng.
Các quan chức Liên Hiệp Quốc cũng đã tuyên bố rằng một vụ đại dịch ở các trại tị nạn thế giới dường như sắp xảy ra.
COVID-19, lần đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc tỉnh Hồ Bắc vào tháng 12 năm 2019, hiện đã lan rộng tới 203 quốc gia trên toàn thế giới. Tính đến ngày 2/4/2020, đã có hơn 2.000 trường hợp được ghi nhận ở Philippines, Ấn Độ, Malaysia, Pakistan và các nước đang phát triển khác.
ĐHY Bo kêu gọi Trung Quốc xóa nợ cho các quốc gia khác để giúp trang trải chi phí COVID-19.
Vào ngày 29/3/2020, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám mục Manila và Tổng  trưởng Thánh Bộ Loan Báo Tin Mừng của Vatican, cũng kêu gọi các nước giàu xóa các khoản nợ của các nước nghèo, những quốc gia đang đấu tranh để tài trợ cho chi phí chống dịch coronavirus. Đức Hồng y người Philippines cho biết tiền chính phủ chi cho quân đội và an ninh có thể được dùng cho khẩu trang (masks) và máy thở (ventilators).
Đức Hồng y người Miến Điện thừa nhận rằng nhiều chính phủ ở các khu vực khác nhau trên thế giới đã bị chỉ trích vì không chuẩn bị sau khi coronavirus lần đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Tuy nhiên, ngài nói, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chính vì có nhiều người lo ngại về các số liệu thống kê chính thức của chế độ Trung Quốc là đã xem thường và hạ thấp nguy cơ lây nhiễm trong Trung Quốc và sau đó đã công bố tuyên truyền cáo buộc các quốc gia khác đã gây ra đại dịch.
Ngài nói :
“Sự dối trá và tuyên truyền đã khiến hàng triệu người trên thế giới gặp nguy hiểm.”
Đức Hồng Y Bo đã cai quản Tổng giáo phận  Yangon của Miến Điện từ năm 2003. Đức Thánh Cha Phanxicô đã  bổ nhiệm ngài làm Hồng y vào năm 2015.
Đức Hồng y nói rằng phản ứng của ĐCSTQ đối với coronavirus là triệu chứng của bản chất ngày càng gia tăng đàn áp của  họ : “Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến ​​một cuộc đàn áp dữ dội về tự do ngôn luận ở Trung Quốc. Luật sư, blogger, người bất đồng chính kiến ​​và các nhà hoạt động xã hội dân sự đã bị bắt và biến mất. Đặc biệt, chế độ đã phát động một chiến dịch chống lại tôn giáo, dẫn đến việc phá hủy hàng ngàn nhà thờ và thánh giá và tống giam ít nhất một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ (Uyghur Muslim) trong các trại tập trung. Và Hồng Kông, từng là một trong những thành phố tự do nhất châu Á, đã chứng kiến ​​các quyền tự do, nhân quyền và luật pháp bị xói mòn nghiêm trọng. Các Kitô hữu tin rằng, theo lời của thánh Phaolô Tông đồ, ‘sự thật sẽ giải phóng bạn.’ Sự thật và tự do là hai trụ cột mà tất cả các quốc gia của chúng ta phải xây dựng nền tảng vững chắc và mạnh mẽ hơn.”

(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết của Courtney Mares đăng trên CNA)