Chúa Nhật thứ II Phục Sinh – Kính Lòng Chúa Thương Xót – Ga 20,19-31

Hãy đi loan báo Tin Vui cho muôn dân – Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng thiên – Mc 16, 15-20
Hãnh diện vì mang danh Ngài – Tin Mừng ngày thứ Bảy tuần V Phục sinh – Ga 15, 18-21
Đền thờ Chúa ngự – Tin Mừng ngày thứ Sáu tuần XXXIII Thường niên B – Lc 19,45-48

Chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Chúc anh em được bình an!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Ðiđymô, không ở với các ông khi Ðức Giêsu đến. các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”
Tám ngày sau, các môn đệ Ðức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Chúc anh em được bình an.” Rồi Người bảo Tôma: “Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Ðức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”
Ðức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Suy niệm

Vào buổi sáng ngày Chúa Nhật, Đức Giêsu hiện ra với Maria Mácđala (Ga 20,11-18). Ngay chiều hôm đó, Ðức Giêsu đến, đứng giữa các tông đồ, cho dù các cửa đều đóng kín vì các ông sợ người Do Thái.
Ta có thể thắc mắc : Chúa hiện ra và chúc bình an cho các môn đệ, như vậy là đủ để các ông tin Ngài đã sống lại rồi, tại sao Ngài còn phải « cho các ông xem tay và cạnh sườn » của Ngài nữa ?
Ngài đã sống lại, thân xác đã hoàn toàn được biến đổi, cho dù các cửa đều đóng kín cũng không ngăn cản được sự xuất hiện của Ngài, tại sao trên tay và nhất là cạnh sườn của Ngài vẫn còn những vết thương hay những vết sẹo chưa lành ?
Vết thương của Chúa có lẽ muốn nói với ta nhiều điều :
– Vết thương đó muốn cho ta thấy rằng, vinh quang mà Ngài có được cần ngang qua thập giá, qua đau khổ.
– Vết thương này cho thấy sự độc ác của người ta, nhưng cũng là bằng chứng tình yêu của Một Người dám chết để cho mọi người được sống.
– Nhất là, vết thương này không phải là « bằng chứng » để kết tội, để « trả thù » những người trước đây đã giết Ngài. Nhưng vết thương này là cửa ngõ tuôn trào lòng Thương Xót và ơn tha thứ, như Ngài đã nói với chị thánh Faustina : “Cha ước mong Chúa Nhật thứ 2 sau lễ Phục Sinh là lễ Lòng Thương Xót (số 299). « Vào ngày ấy, chốn thẳm sâu nhất của Lòng Thương Xót Ta sẽ mở ra. Ta sẽ tuôn đổ cả một biển trời ân sủng xuống trên những linh hồn nào đến gần nguồn mạch Lòng Thương Xót của Ta » (số 699).
Ước chi mỗi người, mỗi gia đình biết chạy đến với Lòng Thương Xót cách đặc biệt trong ngày hôm nay, để được đón nhận Lòng Thương Xót và để học nơi Giêsu lòng biết thương xót và biết tha thứ.
Vì nơi Giêsu Chỉ có thương xót và tha thứ, chứ không có hận thù và ghen ghét.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội CsSR.